Sẵn sàng “ôm” nhà băng nhỏ

Sẵn sàng “ôm” nhà băng nhỏ

Các ngân hàng lớn đã sẵn sàng đón nhà các băng nhỏ khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập theo Đề án “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Đề án nói trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng (TCTD) thiếu thanh khoản, trên cơ sở hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt. Mức tái cấp vốn tối đa tương đương vốn điều lệ của TCTD được tái cấp vốn. Ngoài ra, TCTD yếu kém phải chịu sự giám sát đặc biệt, chặt chẽ, toàn diện của NHNN về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động.

Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, TCTD yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thể thực hiện một cách tự nguyện, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc đối với TCTD yếu kém. Con số 9 TCTD yếu kém được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình công bố trong ngày 6/3 vừa qua hứa hẹn sẽ có những chuyển biến đáng kể, có thể làm thay đổi căn bản diện mạo của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Trước tình hình này, một số nhà băng lớn cho biết, sẵn sàng đón nhận các ngân hàng nhỏ khi có chủ trương của NHNN, hoặc trên tinh thần hợp tác để cùng nhau phát triển tốt hơn. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) cho biết, nếu có chủ trương chỉ định sáp nhập các ngân hàng yếu kém thì Sacombank sẵn sàng. Vì cách đây 10 năm, Sacombank từng sáp nhập thành công Ngân hàng Thạnh Thắng.

Tại đại hội cổ đông thường niên DongABank diễn ra ngày 30/3 vừa qua, HĐQT DongABank đã có tờ trình về việc “hợp tác” với một số ngân hàng và cổ đông của DongA Bank đã thông qua tờ trình này, theo hướng ủy quyền cho HĐQT xem xét tiến hành theo luật định. Điều này, cũng có thể được hiểu là chủ trương sáp nhập, hợp nhất của DongA Bank, bởi trước đó, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank đã khẳng định với báo giới về việc đang xem xét, tìm kiếm đối tác phù hợp để tiến hành sáp nhập, hợp nhất.

“Thực tế, việc hợp nhất, sáp nhập là để lớn mạnh hơn, nếu các nhà băng yếu kém không có khả năng để phát triển”, ông Bình nói và cho biết thêm, hiện đã có một số đơn vị đặt vấn đề mong muốn hợp nhất vào DongABank để cùng phát triển.

Hiện trên thị trường đã có một ngân hàng hợp nhất đó là SCB (được  hợp nhất từ SCB, VietNamTinNghiaBank và Ficombank). Sau 2 tháng hợp nhất kể từ ngày 1/1/2012, tổng tài sản của SCB tính đến cuối tháng 2/2012 đạt gần 150.000 tỷ đồng; vốn và các quỹ đạt 11.540 tỷ đồng; tổng vốn huy động thị trường 1 đạt 79.818 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 68.768 tỷ đồng và lợi nhuận là 154 tỷ đồng. SCB cho biết, sẽ tiếp tục tái cấu trúc hoạt động, chú trọng quản trị rủi ro, tăng trưởng bền vững và mở rộng đầu tư…

Theo lãnh đạo của các nhà băng lớn, việc hợp nhất là cơ hội để đẩy mạnh phát triển, đồng thời các ngân hàng hợp nhất có một thuận lợi, đó là được định giá tài sản.

Làn sóng hợp nhất, sáp nhập các TCTD được dự báo sẽ diễn ra sôi động hơn trong thời gian tới. Đồng thời, hiện tượng thâu tóm giữa các ngân hàng cũng dần được nhen nhúm. Trong đó, nổi cộm nhất phải kể đến vụ việc giữa Eximbank - Sacombank đã thu hút được sự quan tâm của dư luận và đến nay vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, trên thị trường tài chính còn xuất hiện thông tin SHB mua lại toàn bộ Habubank. Thế nhưng, lãnh đạo của hai nhà băng này đã lên tiếng phủ nhận.

Theo các chuyên gia tài chính, nếu đúng như phân loại trên, thì việc tái cơ cấu là nhu cầu phát triển mà ngân hàng nào cũng mong muốn. Trước hết là việc đáp ứng các quy định của cơ quan quản lý, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng phạm vi và gia tăng quy mô như các ngân hàng vẫn mong muốn và thực hiện lâu nay. Đồng thời, sẽ có một quá trình tăng năng lực cạnh tranh, phát triển mà ngân hàng nào cũng phải làm. NHNN chỉ cần có định hướng, kiểm soát tốt theo đúng chức năng, yêu cầu phát triển phù hợp với thực tế và hội nhập. Vì thế, tái cơ cấu là việc cần làm và hợp nhất, sáp nhập là xu hướng thực tế, các ngân hàng không nên quá nặng nề.

Thùy Vinh

đầu tư