WB sẽ hỗ trợ Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề nóng

WB sẽ hỗ trợ Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề nóng

Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Chiến lược đối tác Quốc gia (CPS) giai đoạn 2012-2016. Theo đó, mức phân bổ dự kiến nguồn vốn Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) hỗ trợ Việt Nam là khoảng 4,2 tỷ USD.

Xóa bỏ sự thiếu hiệu quả của DNNN

Theo WB, Chiến lược đối tác Quốc gia giai đoạn tới năm 2016 sẽ phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Cụ thể, chiến lược sẽ tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam, nâng cao tính bền vững trong quá trình phát triển và mở rộng điều kiện tiếp cận với các cơ hội kinh tế, xã hội. Trong đó, chiến lược nhấn mạnh việc cải cách, xóa bỏ sự thiếu hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đại diện WB, tuy là một phần quan trọng trong mô hình kinh tế Việt Nam nhưng khu vực doanh nghiệp Nhà nước lại đang trở thành nguồn gốc gây nên sự thiếu hiệu quả, cạnh tranh yếu kém, làm trở ngại sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài ra, WB cho rằng, Việt Nam cần những khoản đầu tư tư nhân để nâng cao năng suất và gia tăng giá trị ngành công nghiệp và nông nghiệp.

Một khía cạnh quan trọng không kém trong chiến lược, theo WB, đó là vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Chiến lược đối tác Quốc gia giai đoạn mới cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tạo ra những rủi ro về môi trường. Những đầu tư không đủ và thiếu nguồn tài chính bền vững cho các lĩnh vực tiêu thoát nước, nước sinh hoạt, chất thải rắn, giao thông đô thị đang góp phần tạo ra sự ô nhiễm ở các khu vực đô thị.

Đầu tư các ý tưởng mới

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, ngoài khoản đầu tư dự kiến hơn 4 tỷ USD, trong giai đoạn này, nhiều hình thức hỗ trợ mới sẽ được tiến hành Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề nóng trong kinh tế, xã hội.

Bà Vitoria Kwakwa cho rằng, trong thời gian trước, chiến lược mới chỉ tập trung vào dòng tài chính. Tuy nhiên, Việt Nam đang ngày một thành công ở nhiều lĩnh vực và điều đó khiến WB phải chuyển tiếp sang những hình thức hỗ trợ về tri thức, ý tưởng sáng tạo để Việt Nam tự vận dụng.

“Kiến trúc viện trợ với Việt Nam đang có sự thay đổi,” đại diện WB khẳng định.

Đồng ý với ý kiến này, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh khẳng định, Việt Nam đang cố gắng chuyển từ việc nâng cao hiệu quả viện trợ sang nâng cao hiệu quả phát triển.

Thứ trưởng Sinh thừa nhận, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô Việt Nam còn nhiều vấn đề thì việc thực hiện chiến lược đòi hỏi nhiều quyết tâm.

“Vẽ ra chiến lược không khó nhưng tổ chức triển khai mới khó,” thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Bởi thế, theo thứ trưởng, sự thành công của chiến lược không chỉ cần sự nỗ lực của Việt Nam mà còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cộng đồng thế giới, đặc biệt là phía Ngân hàng Thế giới.

Trước đó, trong giai đoạn 2007-2011, Chiến lược đối tác Quốc gia đã được triển khai tại Việt Nam. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng thực tế bình quân là 6,7%/năm giai đoạn 2007-2010. Việt Nam cũng đã cải thiện được các chỉ số về khả năng tạo dựng môi trường kinh doanh. Ngoài ra, diện tích bao phủ của hệ thống giáo dục tiểu học và dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và chi phí vừa phải đã tiếp tục tăng ở khu vực nông thông và thành thị. Theo đánh giá của nhóm công tác Quốc gia, tiến độ thực hiện tổng thể các kết quả tác động của chiến lược này là tương đối đạt yêu cầu.

Xuân Dũng

Vietnam+