Sở hữu chéo ngân hàng: Nhiều đại gia chưa lộ

Sở hữu chéo ngân hàng: Nhiều đại gia chưa lộ

Giới đầu tư chỉ biết rằng "bầu" Kiên tiết lộ là "cổ đông chính" của Ngân hàng Eximbank và có cổ phần của Kienlong Bank. Người ta cũng chỉ biết rằng bầu Kiên gắn với mác ACB và được cho là vẫn nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng này.

Không chỉ nợ xấu cao, hiện tượng sở hữu chồng chéo cổ phần đang được cho là một vấn đề lớn gây ra những trục trặc trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nhóm quyền lực

Hiện tượng ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau và các đại gia sở hữu cùng một lúc nhiều ngân hàng đã được truyền tai trong giới đầu tư khá nhiều và từ lâu. Tuy nhiên, để có được những thông tin cụ thể về vấn đề này là một điều hết sức khó khăn.

Vụ việc Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức cá nhân gom mua cổ phiếu Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) trong tuần đầu tháng 6 vừa qua lần đầu tiên chính thức làm lộ diện một người sở hữu nhiều ngân hàng quy mô lớn.

Nó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi như: Hiện tại có bao nhiêu ông trùm đang nắm giữ trong tay nhiều ngân hàng? Mối quan hệ chằng chịt giữa các ngân hàng cụ thể là như nào? Quyền lực thuộc về ai?

Ngày 7/6, UBCK đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức, cá nhân vi phạm chế độ báo cáo và công bố thông tin liên quan đến việc giao dịch cổ phiếu STB. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu (tổ chức có liên quan đến ông Phạm Hữu Phú - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank, vừa được bầu vào HĐQT Sacombank tại đại hội đồng cổ đông Sacombank ngày 26/5, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) ngày 1/3 đã mua vào hơn 21,9 triệu cổ phiếu STB, nâng tỷ lệ nắm giữ lên gần 48,8 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 5,01% tổng số lượng cổ phiếu STB đang lưu hành) và trở thành cổ đông lớn của Sacombank.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Exim (1 thành viên của Eximbank) ngày 9/1 cũng đã mua vào trên 42,1 triệu cổ phiếu STB làm tăng số lượng sở hữu cổ phiếu STB lên gần 50,4 triệu đơn vị - chiếm tỷ lệ 5,17% số lượng cổ phiếu STB đang lưu hành và trở thành cổ đông lớn của Sacombank.

Ngoài ra, ông Trần Phát Minh mua vào 1,54 triệu cổ phiếu STB vào ngày 24/2, nâng số cổ phần sở hữu lên 48,8 triệu đơn vị - chiếm tỷ lệ 5,01% tổng số cổ phiếu STB đang lưu hành và trở thành cổ đông lớn của Sacombank.

Sau vụ xử phạt này, đa số các nhà đầu tư mới biết tới cái tên Trần Phát Minh (sinh 1974) và ngay lập tức gương mặt này đã được xếp vào một trong 15 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam (cổ đông cá nhân lớn nhất của STB), vượt lên trên ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Sacombank.

Qua vụ việc này, giới đầu tư còn biết đến ông Phát Minh với tư cách là Chủ tịch KienlongBank (bầu tại đại hội cổ đông thường niên 2012), thành viên của Chứng khoán Phương Nam PNS (nắm 7,5% cổ phần) và đã từng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam từ năm 2005 và cũng từng làm việc tại ACB.

Trước đó, trong tháng 5/2012, giới đầu tư cũng được biết đến nhiều hơn với một đại gia bí ẩn ngành ngân hàng sau khi ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa đã rút khỏi ban lãnh đạo của Ngân hàng Phương Nam để tham gia vào Hội đồng quản trị (HĐQT) của Sacombank.

Ông Trầm Bê là người đi lên từ bất động sản (với An Lạc Bình Trị Đông và BCI) nhưng nổi tiếng hơn trong lĩnh vực ngân hàng với vai trò là cổ đông lớn và Phó Chủ tịch Ngân hàng Phương Nam. Tên tuổi của ông được biết đến nhiều nhất sau vụ Sacombank vừa qua.

Ngoài bất động sản và ngân hàng, ông Trầm Bê còn là chủ tịch của một bệnh viện và tham gia HĐQT của một số công ty khác như Công ty CP Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty CP Chứng khoán Phương Nam.

Trên thực tế, trong giới tài chính có khá nhiều đại gia ngân hàng nổi tiếng hơn như ông Nguyễn Đức Kiên, ông Lê Hùng Dũng... Nhưng thực sự những người này nắm bao nhiêu ngân hàng và cổ phần tại mỗi ngân hàng là bao nhiêu thì không mấy ai biết. Giới đầu tư chỉ biết rằng "bầu" Kiên tiết lộ là "cổ đông chính" của Ngân hàng Eximbank và có cổ phần của Kienlong Bank. Người ta cũng chỉ biết rằng bầu Kiên gắn với mác ACB và được cho là vẫn nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng này.

Giới đầu tư cũng mang máng biết rằng các ngân hàng đang nắm giữ chéo cổ phần khá nhiều như: ACB đang nắm giữ một lượng khá lớn cổ phần Đại Á, Việt Á, Kiên Long, Sacombank, Techcombank..; Vietcombank đang là cổ đông của SaigonBank, Eximbank, Quân đội, Phương Đông...; Phương Nam đang đầu tư một lượng lớn vốn vào các tổ chức tín dụng khác...

Trong khi ACB góp vốn vào Eximbank, thời gian vừa qua giới tài chính lại xôn xao về vụ Eximbank dồn tiền vào thâu tóm Sacombank (riêng Eximbank nắm gần 10%)...

Rủi ro và thách thức

Trao đổi xung quanh vấn đề mua bán - sáp nhập ngân hàng với báo giới hồi giữa tháng 3, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định việc các nhà băng tăng vốn, sở hữu chéo, mua bán, sáp nhập... là bình thường trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, những việc làm này phải được thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật.

Trên thực tế, hiện tượng các ngân hàng sở hữu chéo đã có từ lâu. Trước đây, việc sở hữu chéo chủ yếu là các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank... tham gia vào các tổ chức tín dụng khác. Khi đó, các ngân hàng quốc doanh góp vốn với tư cách cổ đông Nhà nước với mục đích giúp Nhà nước kiểm soát hoạt động của các ngân hàng cổ phần.

Hiện nay, hiện tượng sở hữu chéo diễn ra khá phổ biến giữa các ngân hàng cổ phần với nhau và nhiều khi xuất phát từ mục đích thâu tóm, sáp nhập... Ở một góc độ nào đó, việc sở hữu chéo sẽ giúp các ngân hàng nhỏ mở rộng được quy mô, nâng cao được năng lực về tài chính, công nghệ, nhân sự...

Tuy nhiên, xu hướng sở hữu chéo cổ phần ngân hàng hiện nay đang khiến nhiều người cảm thấy lo ngại hơn là vui mừng. Dường như trong hệ thống ngân hàng đang hình thành những liên minh đan xen về lợi ích nhằng nhịt. Một ông chủ nắm cổ phần đồng thời ở nhiều ngân hàng, ở nhiều công ty, tập đoàn... Các ngân hàng này lại nắm cổ phần của nhau. Các công ty con, công ty liên kết, các tập đoàn lại nắm cổ phần của các ngân hàng...

Việc sở hữu chéo nhằng nhịt này khiến cho nhiều đại gia có thể dễ dàng lách luật để sở hữu tỷ lệ cổ phần tại các ngân hàng lớn hơn quy định (Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định một cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% và một tổ chức không quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng).

Việc khống chế tỷ lệ nắm giữ là nhằm hạn chế sự chi phối của các cá nhân tổ chức và tăng tính đại chúng cho ngân hàng. Tuy nhiên, với hiện tượng sở hữu chéo và ủy thác đầu tư đan xen phức tạp như hiện nay (giữa ngân hàng với ngân hàng, giữa ngân hàng với các công ty quản lý quỹ và các tổ chức...), xem ra những quy định về tỷ lệ nắm giữ tối đa không có nhiều giá trị.

Nhiều người lo ngại tình trạng sở hữu chéo chắc chắn sẽ tạo ra các liên minh và nếu các liên minh này không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ có thể gây ra những tác hại to lớn đối với hệ thống ngân hàng.

Vấn đề lợi ích nhóm có thể tác động tới chính sách của cả hệ thống. Quan hệ đan xen cũng khiến cho các quan hệ tín dụng trở nên không minh bạch rõ ràng, không mang tính thị trường. Việc thu hồi vốn trở nên khó khăn và nợ xấu có thể phát sinh và tăng cao đến không ngờ.

Theo đánh giá tại báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới công bố tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam chiều 4/6, lợi ích nhóm có thể đang là một cản trở với hoạt động tái cơ cấu ngân hàng do tình trạng sở hữu chéo vẫn còn phổ biến mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định.

Khi tái cơ cấu, tình trạng sở hữu chéo sẽ khiến cho việc xác định tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của từng ngân hàng để hợp nhất, sáp nhập trở nên rất khó khăn. Việc xử lý không khéo có thể sẽ dẫn tới sự đổ vỡ hàng loạt.

 Mạnh Hà

diễn đàn kinh tế việt nam