Thắt tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR): Hợp lý song cần có lộ trình

Thắt tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR): Hợp lý song cần có lộ trình

Việc “nới” tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), nhưng “thắt” tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) theo Dự thảo sửa đổi Thông tư 13/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được xem là hợp lý trong tình hình hiện nay, song cần có lộ trình và phải được điều chỉnh linh hoạt.

Tại sao phải sửa CAR?

Khi NHNN ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng, mặc dù là cần thiết vì thị trường bất động sản khi đó có những dấu hiệu bong bóng, gây ra những tác động tiêu cực đến nguồn vốn vào thị trường chứng khoán và bất động sản, khiến thị trường chứng khoán suy giảm kéo dài và thị trường bất động sản bị “đóng băng”. Thị trường chứng khoán suy giảm khiến các doanh nghiệp không huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, trong khi khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Đồng thời, khi thị trường bất động sản đóng băng, lượng vốn lớn bị “găm giữ”, gây ra nỗi lo nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Thực tế, tính đến thời điểm NHNN gửi dự thảo lấy ý kiến, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn liên tục âm. Tháng 1/2012, tăng trưởng âm 0,4% so với cuối năm 2011, tháng 2 âm 2,51%, tháng 3 âm 2,13%, trong 4 tháng đầu năm âm 1,71%. Như vậy, để đạt được mức tăng trưởng bằng với năm 2011, thì mỗi tháng còn lại của năm nay, tín dụng phải tăng 1,5 - 1,7%/tháng, tương đương khoảng 38.000 tỷ đồng/tháng.

Từ thực tế đó, cần thiết phải có những điều chỉnh hợp lý để kích thích tăng trưởng tín dụng.

Những điểm dự kiến sửa đổi cơ bản và tác động mong muốn

Các điểm dự kiến đối với chỉ tiêu này bao gồm cách tính vốn tự có được bổ sung thêm khoản mục dự phòng chung để tính vốn cấp 2 (phần tử sổ). Điều chỉnh giảm hệ số rủi ro cho các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay các công ty chứng khoán, cho vay bất động sản từ 250% xuống 150%; giảm hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi bằng ngoại tệ đối với NHNN và Chính phủ; đồng thời tăng hệ số rủi ro các khoản phải đòi của tổ chức tín dụng đối với ngoại tệ là 50%, thay vì 20% như hiện nay. Những điều chỉnh này sẽ làm giảm tài sản có rủi ro (phần mẫu số) và vô hình trung sẽ làm tăng CAR cho các ngân hàng, giúp các ngân hàng thương mại mạnh dạn cung ứng vốn ra thị trường hơn. Đồng thời, việc NHNN điều chỉnh giảm hệ số rủi ro đối với lĩnh vực phi sản xuất, như chứng khoán và bất động sản, sẽ giúp khơi thông thị trường chứng khoán và bất động sản vốn đang bế tắc.

Việc sửa đổi hệ số CAR lần này được xem là cần thiết trước những diễn biến vĩ mô và tình hình tăng trưởng tín dụng hiện tại.

Thay đổi cơ bản về LDR và ảnh hưởng có thể xảy ra

Hiện tại, quy định LDR theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN đã được NHNN sửa đổi bằng Thông tư 19/2010/TT-NHNN, theo đó hệ số LDR đang được thả nổi. Điều này đã dẫn tới tỷ lệ LDR toàn hệ thống vào khoảng 95% (con số này được tạm tính trên cơ sở dư nợ/huy động khách hàng). Nếu phần tử số tính thêm cả phần các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư, thì con số sẽ còn lớn hơn nhiều. Đây là rủi ro về thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Trong dự thảo sửa đổi lần này, NHNN muốn quay lại áp dụng tỷ lệ LDR là 80% đối với các tổ chức tín dụng (gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và 85% đối với các công ty tài chính và thay đổi định nghĩa về chỉ tiêu dư nợ và huy động. Cụ thể, Dự thảo Thông tư bổ sung thêm: (i) khoản mục ủy thác cho tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài khác cho vay và (ii) số dư các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, không bao gồm trái phiếu được phép giao dịch với NHNN vào phần dư nợ (loan) ở mẫu số và phần tử số (deposit) chỉ tính khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân trên thị trường 1, không bao gồm tiền gửi của tổ chức tín dụng trên thị trường 2 và tính 100% những khoản tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế vào chỉ tiêu huy động, thay vì tính 20% như trước đây.

Những điều chỉnh về cách tính chỉ tiêu dư nợ lần này là cần thiết để kiểm soát việc “lách” tăng trưởng tín dụng qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư của các ngân hàng và loại bỏ phần huy động từ các tổ chức tín dụng khác ra khỏi chỉ tiêu huy động để phản ánh đúng bản chất của huy động. Tỷ lệ an toàn này sẽ phản ánh đúng mối quan hệ cung - cầu vốn, giúp NHNN điều tiết các hoạt động của thị trường tiền tệ chính xác hơn.

Nới CAR, áp LDR liệu có mâu thuẫn?

Tại sao đã nới CAR để kích thích tăng trưởng tín dụng, NHNN lại thắt LDR để kiểm soát? Tìm hiểu chi tiết thêm về chỉ tiêu dư nợ so với huy động của một số ngân hàng đã niêm yết (nhóm ngân hàng mạnh trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam), có thể thấy, tỷ lệ LDR của một số ngân hàng khá cao. Nếu tính thêm phần trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư vào phần tử số, thì tỷ lệ sẽ cao hơn nữa.

Rõ ràng, chủ trương nới CAR, nhưng áp LDR của NHNN là có lý. Mặc dù NHNN muốn các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế nên đã “nới” CAR, nhưng NHNN lại quan ngại về tính thanh khoản và ổn định của hệ thống với cơ cấu huy động và cho vay như hiện tại của đa phần các ngân hàng, nên đã hạn chế bằng cách áp tỷ lệ LDR cho các ngân hàng thương mại và công ty tài chính, để các đơn vị hoạt động an toàn, từ đó có thể đẩy mạnh cho vay.

Có thể có một số người cho rằng, không nên áp tỷ lệ LDR, vì đã có tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng thiết nghĩ, với nhiều mục tiêu cùng một lúc, như hạ lại suất, kích thích tăng trưởng tín dụng đúng chỗ, đa dạng hóa danh mục tài sản sinh lời nhằm giúp ngân hàng phân tán rủi ro, thì việc áp lại tỷ lệ này được xem là hợp lý. Vấn đề là lộ trình thực hiện và cần điều chỉnh để đảm bảo tính linh hoạt.

Đàm Nhân Đức

đầu tư