"Điều hành linh hoạt": Rủi ro của CEO chứng khoán

"Điều hành linh hoạt": Rủi ro của CEO chứng khoán

“Điều hành tài chính ‘linh hoạt’ cũng giống như sử dụng dao hai lưỡi, nó sẽ nâng những nhà điều hành lên vị trí người hùng nếu công ty tăng trưởng vượt bậc, song nó cũng có thể khiến những họ trở thành tội đồ trong trường hợp công ty làm ăn thua lỗ,” đó là tâm tư của một Phó tổng giám đốc tại một công ty chứng khoán thường có mặt trong top 10 về thị phần môi giới.

Không phải đợi đến câu chuyện Chủ tịch và Phó chủ tịch Công ty chứng khoán SME bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới làm cho những nhà quản trị trong các công ty chứng khoán quan ngại về mức độ rủi ro trong nghề nghiệp của mình.

Bởi trước đó, thị trường chứng khoán đã chứng kiến những vụ khởi tố đối với bà Phạm Thị Tuyết Mai, nguyên Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương, ông Trương Duy Sơn nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Hà Thành và mới đây là trường hợp sự việc của nguyên Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Liên Việt.

Vị phó tổng giám đốc trên cho biết, thị trường suy thoái kéo dài khiến hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán lao đao. Thêm vào đó, công ty chứng khoán thì nhiều mà “miếng bánh thị trường” lại có hạn và không phải công ty nào cũng có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, vì vậy ban giám đốc của các công ty chứng khoán vừa và nhỏ sẽ phải chịu những áp lực kinh doanh rất lớn.

Ví dụ doanh nghiệp yếu thì phải linh hoạt và uyển chuyển trong việc đưa ra những chính sách ưu đãi cũng như sản phẩm có tính cạnh tranh. Trong điều kiện kinh doanh tốt thì không sao, nhưng khi kết quả đầu tư có vấn đề đồng thời xuất hiện sự dịch chuyển vị trí của các nhân sự cấp cao tại các công ty chứng khoán làm gia tăng sự bất đồng và dẫn đến những vụ kiện cáo.

“Mặc dù hầu hết các công ty đều cố gắng kiểm soát hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, song trong quá trình điều hành có những vấn đề phát sinh và quyết sách điều hành của ban giám đốc không được chặt chẽ thì rủi ro nghề nghiệp là khó tránh khỏi bởi hầu hết họ đều là những người lao động làm thuê và quyền lực thì luôn có giới hạn,” vị phó tổng giám đốc trên nói.

Theo luật sư Trần Đình Triển, Phòng luật sư Vì Dân, việc ra đời của các công ty chứng khoán một cách ồ ạt, nhiều người có tiền tham gia vào hội đồng quản trị và có vai trò quyết định tại công ty đó. Tuy nhiên bản thân họ lại hầu như không hiểu về thị trường chứng khoán, do đó trong các quyết sách của họ có khi không đúng hoặc do không hiểu nên họ không dám quyết. Điều này đặt ra thách thức cho ban điều hành khi rơi vào tình cảnh quyết cũng sợ mà không quyết lại bỏ lỡ cơ hội.

Thị trường chứng khoán là thị trường vốn rất quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên để thị trường phát triển bền vững thì cần đến các hệ thống luật phải đồng bộ, đặc biệt hệ thống luật về doanh nghiệp và luật dân sự, chứ không để một tình trạng một doanh nghiệp mà có tới hai, ba báo cáo tài chính, vốn điều lệ là vốn tự khai và việc hoạt động của nhiều đơn vị lại ở trong “màn bí mật”, khiến thị trường trở nên thiếu sự minh bạch và tăng trưởng như ‘bong bóng”, dẫn đế nhà đầu tư gặp may thì lãi lớn, gặp rủi thì tiền thật biến thành “giấy vụn”.

Trên thị trường có trên 100 công ty chứng khoán đang hoạt động, tuy nhiên theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước thì trong Quý I/2012 đã có 54 công ty lỗ, tổng số công ty có lỗ lũy kế tính đến hết Quý I/2012 là 66 công ty, trong đó có 12 công ty lỗ lũy kế trên vốn điều lệ hơn 50%, 27 công ty có vốn chủ sở hữu thâm hụt 50% so với vốn pháp định.

Ông Triển cho rằng từ những áp lực thực tế, ban giám đốc của một số công ty chứng khoán cứ quyết theo thị trường mà làm và việc làm như vậy có thể sẽ gặp những rủi ro. Như những hợp đồng ký kết gặp phải những trường hợp vượt quá thẩm quyền.

Ngoài ra, cùng với sự đi xuống của thị trường chứng khoán thì cũng xuất hiện sự thay đổi cơ bản về hội đồng quản trị, ban giám đốc tại nhiều công ty chứng khoán. Họ sẽ xem xét lại hoạt động trước đó của công ty khi tiếp quản.

Vấn đề phát sinh là trong quá trình xem xét lại với các hợp đồng kinh doanh mang lại lợi nhuận thì họ cho là đương nhiên, còn những hợp đồng có kết quả thua lỗ sẽ được đưa ra xem xét và truy cứu trách nhiệm.

“Thậm chí có những công ty đã thực hiện khởi kiện các vụ việc đó tới các cơ quan bảo vệ pháp luật như cơ quan cảnh sát điều tra. Trong khi thông thường mọi hoạt động tranh chấp phải đưa ra tòa án, như trường hợp người điều hành không có yếu tố vụ lợi trong vụ việc đó, mà chỉ do sai sót dẫn đến thua lỗ thì đây là quan hệ hợp đồng lao động và khởi kiện tranh chấp hợp đồng lao động, chứ khôn nên vội vàng hình sự hóa ngay lập tức,” ông Triển nói.

Phó Tổng giám đốc tại một công ty chứng khoán đã từng có những tranh chấp hợp đồng tài chính cho biết, “điều hành một công ty chứng khoán muôn màu, muôn vẻ tuy nhiên nếu điều lệ công ty cho phép Tổng giám đốc là người đại diện pháp luật thì đương nhiên người đó quyền và trách nhiệm trong các hợp đồng thuộc nghiệp vụ kinh doanh. Vì vậy chỉ nên hình sự hóa các trường hợp sai phạm quá lớn, cố tình làm trái pháp luật, trái điều lệ công ty và dẫn đến thua lỗ lớn. Chứ không nên làm rùm beng làm rúng động cả thị trường như ở một số công ty chứng khoán trong thời gian vừa qua”./.

Linh Chi

Vietnam+