Hết tháng 8 sẽ có kết quả thanh tra về vụ thâu tóm tại Sacombank

Hết tháng 8 sẽ có kết quả thanh tra về vụ thâu tóm tại Sacombank

Đại biểu Bùi Thị An, đoàn Quốc hội Hà Nội chất vấn: “Thống đốc có biết Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), Ngân hàng Eximbank (EIB) lấy nguồn tiền từ đâu để mua cổ phần thâu tóm Sacombank (STB)?”

* Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Tái cấu trúc thêm 6 ngân hàng thương mại

* NHNN có tiếp tục giảm lãi suất?

* Agribank dẫn đầu về nợ xấu, tỷ lệ 6.14%

 

Trả lời đại biểu trên trong buổi trả lời chất vấn Đại biểu quốc hội chiều 21/08, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: “Ai đi thâu tóm Sacombank thì người ta cũng chưa bao giờ báo cáo với NHNN, do vậy chúng tôi cũng không biết họ lấy tiền đâu ra. Nó diễn ra trên TTCK và nó thay đổi thậm chí là từng thời điểm trong ngày, sáng họ mua vào, chiều họ bán ra, như vậy chỉ đến khi nào Đại hội cổ đông hoặc tại thời điểm NHNN chốt lại thì chúng tôi mới biết chính xác là một cổ đông tham gia bao nhiêu cổ phần”.

"Chứ còn tiền đâu để làm rõ vấn đề này thì hiện nay chúng tôi đang thanh tra ngay tại Sacombank bắt đầu từ tháng 7 vừa rồi và dự kiến hết tháng 8 này sẽ hoàn thành việc thanh tra Sacombank thì khi đó sẽ có bức tranh đầy đủ. Theo quy định hiện hành thì những nội dung cơ bản của kết luận thanh tra sẽ được đăng công khai" - Thống đốc Bình cho biết.

Trước đó, trả lời một đại biểu về vấn đề thâu tóm ngân hàng, Thống đốc cho rằng, nếu việc thâu tóm diễn ra trên TTCK thì phải theo Luật Chứng khoán. Các tổ chức tín dụng niêm yết, họ mua bán với nhau thì không hỏi ý kiến gì với NHNN cả. Do vậy, có thể trong quá trình đó, một nhóm người mua cổ phiếu của một ngân hàng niêm yết để giữ tỷ lệ chi phối, NHNN chỉ có thể biết được khi chốt sổ. Khi phát hiện ra, các tổ chức hoặc cá nhân nào vượt quá tỷ lệ thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ bắt lập lại tỷ lệ đã được quy định về sở hữu của ngân hàng.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng nhìn nhận, “trong quá trình xử lý 9 ngân hàng yếu kém vừa qua, đã xuất hiện những hiện tượng có thể nói là có màu sắc gì đó của thâu tóm”.

Theo Đề Án 254 về tái cấu trúc các TCTD được Chính phủ phê duyệt, bước đầu tiên các TCTD được tự lên phương án khắc phục, còn nếu TCTD không tự khôi phục được thì NHNN mới can thiệp trực tiếp. Khi một TCTD khó khăn họ tự tìm đối tác và trong quá trình đó diễn ra thực tế người mua muốn mua rẻ, người bán muốn bán đắt, do vậy giữa họ xuất hiện những mâu thuẫn về lợi ích. Tuy nhiên, đó chỉ là ở giai đoạn đầu, còn sau đó các TCTD này đã đạt được những thỏa thuận và cho đến nay NHNN chưa phải tiến hành biện pháp cưỡng chế nào.

Phước Phạm (Vietstock)

ffn