Phỏng vấn Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN

Phỏng vấn Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN

Mới đây, Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên của Website NHNN về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ( NHNN) thời gian qua.

Đồng thời, bà cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu. Website NHNN xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên: Bà có đánh giá như thế nào về quản lý và điều hành CSTT gần đây của NHNN, nhất là chính sách lãi suất và chính sách tỉ giá?

Bà Victoria Kwakwa (ảnh): Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn trở lại thời điểm vào cuối năm ngoái. Tại thời điểm đó, hệ thống ngân hàng cho thấy có sự bất ổn: Lạm phát rất cao, trên 18% so với cùng kỳ năm trước; lãi suất cao và tỷ giá hối đoái không ổn định; dự trữ ngoại hối giảm.

Tuy nhiên, đến nay, các chỉ số vĩ mô đang đi đúng hướng: Theo số liệu gần đây nhất là tháng 7, lạm phát của Việt nam là hơn 5%; tỷ giá hối đoái đã ổn định trong nhiều tháng; dự trữ ngoại hối tăng; các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong 4 tháng qua từ bậc không ổn định lên ổn định. Đó là kết quả tích cực của các bộ, ngành, trong đó có NHNN trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Rõ ràng đã có sự lựa chọn chính sách đúng đắn và tôi nghĩ rằng những nỗ lực của chính phủ Việt Nam cần phải được công nhận, đặc biệt là vai trò của NHNN, cơ quan có trách nhiệm quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá hối đoái.

Tất nhiên không phải mọi việc đều đã đạt được theo mục tiêu chúng ta mong muốn. Tuy dự trữ ngoại hối đã tăng, các tổ chức xếp hạng đã nâng triển vọng của kinh tế Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy giảm. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, việc xây dựng các nguồn dự phòng ở tầm vĩ mô vẫn cần tiếp tục được thực hiện, bởi nếu không, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng lạm phát cao như trước.

Bà có thể cho biết ý kiến về quyết tâm và định hướng của NHNN đối với các mục tiêu đề ra?

Mặc dù đã đạt được những thành tựu trong việc ổn định vĩ mô, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có đôi chút suy giảm và Chính phủ rất quan tâm đến điều này. Tôi cho rằng, NHNN, với tư cách là một cơ quan thuộc Chính phủ, đã có nhiều cố gắng để góp phần tháo gỡ tình hình.

Từ tháng 3 đến nay, NHNN đã cắt giảm đáng kể lãi suất ( tổng các lần cắt giảm lãi suất là 5%). Chúng ta cũng thấy có sự phân loại các NHTM với các mức tăng trưởng tín dụng khác nhau. Đây vừa là bước để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, vừa để ngăn những ngân hàng yếu kém cho vay vượt khả năng quản lý của mình gây rủi ro thêm cho hệ thống.

Như vậy, có thể thấy NHNN đã có những điều chỉnh thích hợp và nỗ lực cùng với các cơ quan khác của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn.

 Bà có kinh nghiệm quốc tế và tư vấn chính sách gì để chia sẻ với chính phủ Việt Nam và NHNN trong vấn đề tái cơ cấu khu vực ngân hàng và giải quyết nợ xấu của Việt Nam hiện nay?

Đây là những vấn đề mà tất cả các nước phải đối mặt, ngay cả các nước tiên tiến nhất. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên gặp khó khăn trong hệ thống tài chính, ngân hàng. Gần đây nhất, chúng ta đã nhìn thấy điều đó đã xảy ra ở Mỹ, Phần Lan, Ireland, Châu Âu,… Vì vậy, sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề này.

Tôi cho rằng, điều đầu tiên là cần nắm được bản chất của vấn đề nằm ở đâu, phạm vi như thế nào. Việc có những số liệu rõ ràng và lượng hóa được các khoản nợ xấu là điều cần thiết. Khi đã có cái nhìn toàn cảnh, chúng ta sẽ ước tính được chi phí cần thiết cũng như cơ chế chia sẻ chi phí. Tiếp đó, cần nhìn vào bức tranh tài khóa tổng thể của Chính phủ để có thể quyết định xem vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào, cần đến những cấu trúc và khung chính sách gì.

Theo kinh nghiệm ở một số quốc gia, có thể phải sử dụng tới công ty xử lý nợ quốc gia (AMC). Vì vậy, việc AMC được thảo luận thời gian qua tại Việt Nam cũng là một lựa chọn cần và đáng phải tính đến. Quan trọng là cần có mục tiêu thống nhất của Chính phủ trong xử lý vấn đề này. Cùng với đó là quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự minh bạch trong triển khai.

Quá trình xử lý nợ xấu cần nhiều nỗ lực để thúc đẩy nhanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng quá trình này không phải chỉ xảy ra trong ngày một ngày hai mà sẽ phải tương đối mất thời gian.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bà!

LVH (ghi)

SBV