VRG thoái vốn chưa triệt để

VRG thoái vốn chưa triệt để

Việc thoái vốn nhà nước trong Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được đánh giá là chưa triệt để, bởi VRG tiếp tục giữ vốn tại các lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính.

Khu công nghiệp trở thành ngành chính

Điểm chú ý trong Đề án Tái cơ cấu VRG là đề xuất đầu tư khu công nghiệp trên đất cao su được chuyển thành ngành kinh doanh chính. Theo VRG, đây là ngành có ảnh hưởng lớn, tạo lợi nhuận lớn cho Tập đoàn phát triển.

VRG đang làm chủ 13 khu công nghiệp, với tổng diện tích đất cho thuê 4.500 ha. Trong đó, có 3 khu công nghiệp đã cho thuê trên 80% diện tích, là các công ty đại chúng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn trung bình 30%/năm; 5 khu công nghiệp bắt đầu có doanh thu, lợi nhuận từ năm 2011 và 5 khu công nghiệp chính thức hoạt động từ năm 2011. Từ nay đến năm 2015, khu công nghiệp dự kiến vẫn là lĩnh vực tăng trưởng nhanh, tạo lợi nhuận lớn cho Tập đoàn, trong khi chi phí đầu tư cho lĩnh vực này rất thấp.

Trong bối cảnh Chính phủ đang yêu cầu các tập đoàn thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đề xuất trên có vẻ trái chiều. Một số bộ, ngành cho rằng, hiệu quả của khu công nghiệp chưa được chứng minh đầy đủ, bởi hầu hết các khu công nghiệp đều mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, để tập trung nguồn lực thực hiện các ngành nghề kinh doanh chính, VRG chỉ nên đầu tư vào các khu công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ cao su, đồng thời thực hiện thoái vốn tại các khu công nghiệp khác.

Thoái vốn chưa triệt để

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp (DN) thành viên của VRG khá lớn: 168 đơn vị, trong đó 115 DN do Tập đoàn chi phối, 48 công ty đầu tư tài chính dài hạn. Tuy nhiên, căn cứ theo phương án sắp xếp dự kiến, số lượng DN thành viên do công ty mẹ nắm từ 50% vốn trở lên có thể còn tăng lên. Cụ thể, VRG đề xuất mua thêm cổ phần tại một số DN công nghiệp cao su để nắm giữ cổ phần chi phối và hình thành thêm một số công ty mẹ.

Về vấn đề này, lãnh đạo một cơ quan Chính phủ đề xuất: “VRG chỉ nên mua thêm cổ phần ở những DN thuộc lĩnh vực sản xuất chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao. Đề xuất thành lập công ty mẹ cũng được làm rõ, theo đó, không nên gom DN một cách cơ học. Không hình thành thêm công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khu công nghiệp”.

Một đề xuất khác của VRG trong sắp xếp DN là sáp nhập 6 công ty quy mô nhỏ vào công ty thành viên hiện là công ty mẹ của 6 công ty này. Dù vậy, cũng có nhiều bộ, ngành kiến nghị, VRG nên xem xét cổ phần hoá, hoặc thoái vốn nếu các công ty này không hoạt động trong các ngành chính của Tập đoàn, không thuộc lĩnh vực Nhà nước phải nắm giữ vốn (như trường hợp Công ty cổ phần Thể thao Phú Riềng).

Tương tự, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc thoái vốn của VRG tại các lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính cần thực hiện triệt để hơn. Bởi theo Đề án, VRG vẫn sẽ giữ một phần vốn (35%) tại 4 dự án thủy điện, một số công ty dịch vụ tư vấn đầu tư, công ty quản lý các khu dân cư nông thôn và Công ty Tài chính cao su…

Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, Đề án Tái cơ cấu VRG lên kế hoạch thoái 100% vốn tại 46 công ty mà Tập đoàn không chi phối. Trong đó, việc thoái vốn khỏi các công ty thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ được thực hiện trong năm 2012 - 2013.

Hà Tâm

Đầu tư