1/3 tồn kho toàn thị trường thuộc về công ty BĐS

1/3 tồn kho toàn thị trường thuộc về công ty BĐS

Theo thống kê, lượng tồn kho của các công ty bất động sản niêm yết tính đến thời điểm cuối tháng 6/2012 là 55,029 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 lượng hàng tồn kho của toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết.

* Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo tồn kho của doanh nghiệp BĐS

Lượng hàng tồn kho của các công ty bất động sản niêm yết (Tỷ đồng)

Tồn kho chiếm đến 90% tổng tài sản 

Tỷ lệ hàng tồn kho so với tổng tài sản cao nhất là NVN với tỷ lệ 90%, tương đương 636 tỷ đồng, trong đó, chi phí sản xuất dở dang chiếm đến 635 tỷ đồng. NVN hiện đang thực hiện 6 dự án, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khoản chi phí sản xuất dở dang của công ty thuộc về dự án Khu dân cư Nguyễn Xiển với 217 tỷ đồng. Doanh thu thuần trong 6 tháng qua của NVN đạt 37 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Trong kỳ, lãi ròng của công ty giảm mạnh 61%, chưa đến 1 tỷ đồng (đạt 921 triệu đồng).

Ngoài ra, các doanh nghiệp PDR*, HPR, và VNI* cũng có tỷ lệ tồn kho cao ngất ngưởng, tới 89% không thua kém gì NVN.

Cụ thể, 4,436 tỷ đồng tồn kho của PDR* chủ yếu thuộc về dự án The EverRich 2, The EverRich 3. Số dư cuối kỳ của dự án The EverRich 2 là tiền bồi thường đất và dự án đang được triển khai thi công giai đoạn 1. Dự án The EverRich 3 bao gồm tiền bồi thường đất, thiết kế, san lấp mặt bằng và công ty đã bồi thường tổng cộng 79% diện tích của toàn bộ dự án.

Hàng tồn kho của VNI* chiếm 208 tỷ đồng, thuộc hai dự án Vinaland Tower và Sài Gòn South Center, riêng quyền hợp tác đầu tư chiếm 26 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, PDR* có lãi ròng 540 triệu đồng, chỉ bằng 6% cùng kỳ năm trước; VNI đạt lãi ròng 710 triệu đồng, cao gần gấp 3 lần cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ tồn kho của PVR chỉ chiếm 0.05%, tương đương 502 triệu đồng. Lượng tồn kho của HAG cũng chỉ ở mức thấp với 3%, tương đương 613 tỷ đồng, trong đó, chi phí của các căn hộ đang xây để bán chiếm 426 tỷ đồng.

1/6 số công ty BĐS báo lỗ

Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, nhiều công ty trong lĩnh vực BĐS gặp nhiều khó khăn, vẫn còn có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này có lợi nhuận đáng mơ ước. Đặc biệt, lãi ròng hợp nhất của VIC trong 6 tháng qua đạt 1,257 tỷ đồng, đứng đầu trong nhóm các công ty BĐS.

Trong số 63 công ty niêm yết thuộc ngành bất động sản, có đến 11 công ty báo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2012 với tổng khoản lỗ là 179 tỷ đồng. KBC là công ty lỗ nhiều nhất, lũy kế 6 tháng đầu năm, KBC đạt doanh thu thuần gần 175 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ, công ty tiếp tục lỗ gần 105 tỷ đồng. Tồn kho của KBC chiếm đến 5,978 tỷ đồng, tương đương 52% tổng tài sản.

Đối với PTL, mặc dù doanh thu thuần tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 109 tỷ đồng nhưng công ty vẫn lỗ gần 20 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 30/06/2012 hơn 28 tỷ đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu của PTL giảm xuống còn 987 tỷ đồng.


Công ty bất động sản lỗ 6 tháng/2012

Bên cạnh đó, khoản lỗ của S96SDH đã ăn vào vốn chủ sở hữu. Trong quý 2/2012, S96 không có doanh thu do công ty đang giảm dần tỷ trọng xây lắp, chuyển sang hoạt động kinh doanh các dự án bất động sản. Hoạt động kinh doanh này cũng chưa mang lại kết quả trong xu hướng trầm lắng chung của thị trường. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty chỉ đạt 3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 97% so với cùng kỳ và báo lỗ 1.5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến thời điểm cuối tháng 6/2012 của S96 hơn 48 tỷ đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu của công ty còn gần 87 tỷ đồng.

Cũng lâm vào tình trạng kinh doanh lỗ, trong 6 tháng qua, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ SDH âm hơn 16 tỷ đồng, lỗ lũy kế cũng chiếm 16 tỷ đồng làm giảm vốn chủ sở hữu xuống còn 202 tỷ đồng. Đặc biệt, trước soát xét công ty này báo lãi 612 triệu đồng. Theo SDH, nguyên nhân là do các khoản chi phí phát sinh thêm, bao gồm 12.43 tỷ đồng dự phòng công nợ phải thu, 4.5 tỷ đồng dự phòng chi phí dở dang về xây lắp, và 259 triệu đồng lãi vay phải trả cho bảo hiểm và ngân hàng.

Mặc dù không lỗ trong 6 tháng đầu năm khi ghi nhận 1.4 tỷ đồng tiền lãi nhưng luỹ kế thì IDJ lại lỗ gần 4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty giảm còn 324 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu

Với khoản vay nợ ngắn hạn cao gấp 3.6 lần vốn chủ sở hữu, nếu tính tổng nợ vay thì gấp đến 18 lần, STL là công ty đứng đầu về tỷ lệ này trong số các công ty bất động sản niêm yết. Bên cạnh đó, nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của STL cao nhất chiếm 96%. Trong kỳ, công ty lỗ gần 14 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hai công ty PPI* và NDN cũng có nợ vay ngắn hạn lớn hơn vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, công ty mẹ VNI* có 60% vốn chủ sở hữu là vay và nợ ngắn hạn, trong khi tiền mặt tại thời điểm cuối tháng 6/2012 của công ty này chỉ còn 117 triệu đồng.

Mặc dù có tỷ lệ vay nợ ngắn hạn thấp hơn nhưng KBC có chi phí lãi vay hơn 158 tỷ đồng, chiếm đến 91% doanh thu thuần và lỗ trong kỳ đến 105 tỷ đồng.


10 công ty có tỷ lệ vay và nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu cao nhất

Đan Thanh (Vietstock)

FFN

--------------------------------

(*): Báo cáo tài chính 6 tháng của công ty mẹ