ACB có số dư với 6 cty được kiểm soát bởi Bầu Kiên

ACB có số dư với 6 cty được kiểm soát bởi Bầu Kiên

PwC nhấn mạnh tại ngày 30/06/2012, ACB có số dư với 6 công ty được kiểm soát bởi một cổ đông của ngân hàng. Cổ đông này đã bị bắt giữ vào ngày 20/08/2012. Các số dư này được đảm bảo bằng tài sản thế chấp dưới hình thức chủ yếu là thư bảo lãnh ngân hàng, cổ phiếu, tiền gửi và bất động sản.

Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) vừa chính thức công bố BCTC hợp nhất đã soát xét giữa niên độ cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2012. Trong đó, đơn vị kiểm toán là Công ty PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) cho rằng báo cáo đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình của Tập đoàn ACB tại ngày 30/06/2012. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán PwC có đưa ra 2 điểm lưu ý:

Thứ nhất, trong số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tại ngày 30/06/2012 có hơn 718.9 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và hơn 36.52 tỷ đồng lãi phải thu của khoản tiền gửi này tại một ngân hàng thương mại cổ phần có phần lớn vốn góp của Nhà nước đã quá hạn.

Tại ngày phê duyệt báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ này (22/09/2012), các số dư này đang được điều tra bởi cơ quan chức năng. Theo PwC, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan chỉ được xác định khi vụ án xét xử, có phán quyết cụ thể và bản án có hiệu lực. Do đó, việc thu hồi các khoản vay này phụ thuộc vào quyết định của Tòa án, và do đó Tập đoàn không trích lập dự phòng cho các khoản vay này tại ngày 30/06/2012.

Mới đây, trong thông cáo về việc nguyên Chủ tịch HĐQT ACB ông Trần Xuân Giá và 2 Phó Chủ tịch Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang, ACB cho biết, các thành viên này có liên quan đến việc phê chuẩn cho Ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ACB thực hiện việc nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào một ngân hàng khác.

Điểm thứ hai được PwC nhấn mạnh là tại ngày 30/06/2012, ACB có số dư với 6 công ty được kiểm soát bởi một cổ đông của ngân hàng. Cổ đông này đã bị bắt giữ vào ngày 20/08/2012. Cơ quan chức năng đang kiểm tra các thông tin liên quan đến các số dư này từ ngân hàng, bao gồm: các khoản cho vay khách hàng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu khác. Các số dư này được đảm bảo bằng tài sản thế chấp dưới hình thức chủ yếu là thư bảo lãnh ngân hàng, cổ phiếu, tiền gửi và bất động sản.

Các số dư này vẫn đang được thể hiện trên bảng cân đối kế toán của ACB và vẫn được tiếp tục ghi nhận theo đúng điều khoản và điều kiện. Đồng thời, các số dư này được đảm bảo bằng tài sản thế chấp với giá trị tối thiểu tương đương và được xếp vào loại đủ tiêu chuẩn vào ngày 30/06/2012 và ngày ký vào BCTC này.

Như vậy, mặc dù không nói rõ, nhưng nhiều khả năng cổ đông bị bắt giữ mà PwC đề cập chính là ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập của ACB, người đang bị cho là dính dáng đến các tội về tội “kinh doanh trái phép, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc, đồng thời là người phát ngôn của ACB để xác định danh tính 6 công ty này, nhưng ông Toại cho biết không nắm được thông tin cụ thể. Tuy nhiên, ông sẽ tìm hiểu và sớm công bố.

Được biết, BCTC soát xét hợp nhất này được ông Đỗ Minh Toàn, tân Tổng Giám đốc của ACB ký phê chuẩn vào ngày 22/09/2012 tức sau khi các nhân sự chủ chốt trong HĐQT cũng như Ban Tổng Giám đốc của ngân hàng này đã từ nhiệm. ACB cũng là ngân hàng duy nhất có cổ phiếu niêm yết "giam" BCTC soát xét bán niên theo quy định về công bố thông tin.

Chi tiết bản báo cáo của ACB cho thấy, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm thấp hơn khoảng 5 tỷ đồng so với trước soát xét, đạt 1,607 tỷ đồng, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ gần 400 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác cũng ít biến động ngoại trừ thu nhập lãi thuần có chênh lệch khá lớn so với trước soát xét. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng từ 3,576 tỷ đồng lên hơn 3,698.56 tỷ đồng.

* Chi tiết Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2012

Viết Vinh (Vietstock)

ffn