Cắt margin và sự nghi ngờ của NĐT

Cắt margin và sự nghi ngờ của NĐT

Không ít NĐT phản ứng gay gắt với CTCK khi các công ty này cắt, giảm tỷ lệ margin đối với các cổ phiếu “dính” tin đồn.

 

Sau biến cố của thị trường vừa qua, nhiều NĐT nhìn lại cuộc chơi và cuộc tranh luận giữa tình và lý xung quanh việc các CTCK cắt, giảm tỷ lệ giao dịch ký quỹ (margin) đối với các cổ phiếu “dính” tin đồn như ACB, STB, EIBMSN vẫn đang tiếp diễn. Không ít NĐT phản ứng gay gắt với CTCK, nhất là những công ty có thị phần lớn về hoạt động margin.

Trong danh sách các cổ phiếu được giao dịch ký quỹ áp dụng từ ngày 30/8/2012 của CTCK TP. HCM (HSC), cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan có tỷ lệ margin giảm từ 40% xuống 30%. Việc giảm tỷ lệ margin thể hiện sự thận trọng của HSC với cổ phiếu này. Tuy nhiên, điều này còn khả dĩ hơn thông báo cắt margin cổ phiếu MSN từ hôm trước của Công ty.

CTCK FPTS ngày 22/8 ra thông báo đưa 4 cổ phiếu ACB, STB, MSN, EIB ra khỏi danh mục margin, áp dụng từ ngày 23/8 và cho đến nay chưa đưa các cổ phiếu này trở lại danh mục. CTCK KimEng cũng công bố cắt margin một số cổ phiếu, nhưng danh mục cổ phiếu margin ngày 23/5/2012 của công ty này hiện tại vẫn còn hiệu lực, mà chưa có thông báo mới, không rõ các cổ phiếu có tiếp tục được cho margin bình thường?

Thực tế, với lý do để đảm bảo an toàn, nhiều CTCK đã đưa 4 cổ phiếu ACB, STB, MSN, EIB ra khỏi danh sách margin trong những phiên giao dịch “nhạy cảm” vừa qua của thị trường. Điều đáng nói là các cổ phiếu này không vi phạm tiêu chí nào về chỉ số tài chính, mà chủ yếu là do rủi ro về tin đồn và áp lực bán tháo của NĐT trước tin đồn. CTCK có quyền quyết định nhận hay không nhận margin với một cổ phiếu trong khuôn khổ quy định cho phép. Vì thế, việc cắt margin của CTCK không sai luật.

Còn một lý do khác hết sức “nhạy cảm” là bài học từ các năm trước, khi một cổ phiếu bị bán tháo, mất thanh khoản, NĐT có thể dùng margin để mua lại chứng khoán của chính mình ở CTCK khác. Với tỷ lệ 1:1, chỉ cần bỏ ra 1 tỷ đồng, NĐT có thể mua chứng khoán trị giá 2 tỷ đồng. Sau đó, NĐT rút tiền bên tài khoản bán và bỏ lại “cục” cổ phiếu margin cho CTCK “ôm”.

Nhưng lần này, việc cắt margin của CTCK lại đẩy một số NĐT đến chỗ phải bán ra cổ phiếu. Cụ thể, trong rổ cổ phiếu mà NĐT sở hữu, nếu một cổ phiếu bị cắt margin thì tỷ lệ an toàn giảm từ 140% (nếu cổ phiếu được margin tỷ lệ 40%) xuống còn 100% giá trị cổ phiếu. Sau đó, nếu cổ phiếu bị cắt margin tiếp tục giảm giá, NĐT phải nộp thêm tiền hoặc bị bán giải chấp những cổ phiếu khác để đảm bảo tỷ lệ an toàn.

Có CTCK thông báo với NĐT về động thái bán giải chấp, nhưng theo cam kết thì CTCK có toàn quyền bán chứng khoán của NĐT để đảm bảo tỷ lệ quy định của tài khoản margin. Không loại trừ khả năng trong rổ cổ phiếu của NĐT, CTCK sẽ bán những cổ phiếu khác, chứ không bán cổ phiếu của chính công ty mình.

Sau khi sự cố TTCK tụt dốc chủ yếu vì tin đồn qua đi, NĐT lại đặt câu hỏi về tính minh bạch của thị trường và tính bảo mật thông tin của CTCK, nhất là các công ty có thị phần lớn.

Liệu có khả năng CTCK ước chừng được số lượng cổ phiếu được cầm cố, cộng với lượng hàng tự doanh và cổ phiếu của NĐT lớn mở tài khoản tại công ty, nên ra quyết định “bán khống”?. Nghi ngờ của Chủ tịch Ủy bán Chứng khoán Nhà nước về hành vi đầu cơ trục lợi, bán khống trong những phiên giao dịch bất thường vừa qua đang là một câu hỏi cần lời đáp trong vấn đề này..

Điều đáng nói là khi cổ phiếu bị bán tháo, giá giảm xuống mức hấp dẫn, trong khi NĐT không có margin để mua lại hàng giá rẻ thì tự doanh của CTCK hay cổ đông lớn của CTCK lại có thể mua. Sự xung đột quyền lợi giữa CTCK vừa cung cấp dịch vụ, vừa tự doanh và nhóm NĐT có khả năng biết được thông tin của CTCK, với các NĐT cá nhân khác có khả năng thành hiện thực, xuất phát từ sự bất đối xứng thông tin khi CTCK có quyền nhìn bao quát các tài khoản, còn NĐT chỉ biết được tài khoản của chính mình.

Minh An

đầu tư chứng khoán