Kinh tế Vĩ mô Tuần 01 - 05/10: Toàn cảnh nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2012

Kinh tế Vĩ mô Tuần 01 - 05/10: Toàn cảnh nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2012

Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 9 và chín tháng đầu năm 2012 được công bố cho thấy mức độ khởi sắc không đáng kể và nhìn chung vẫn còn trì trệ. 

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Tăng trưởng GDP quý 3: 5.35%, GDP 9 tháng: 4.73%

So với mức tăng trưởng hai quý đầu năm (quý 1: 4%, quý 2: 4.66%), GDP quý 3 đã có chiều hướng đi lên và tăng mạnh 5.35%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, GDP ước tăng 4.73% so với cùng kỳ năm trước, chỉ nhỉnh hơn so với năm khủng hoảng 2009 và thấp hơn nhiều so với hai năm 2010 và 2011.

Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị GDP) chỉ tăng 4.8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm tích cực là chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tiếp tục đà sụt giảm khi tính đến thời đểm 01/09 chỉ còn tăng 20.4% so với cùng thời kỳ năm trước.    

Nhận định tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng cả năm chỉ ở mức trên 5% - mức thấp nhất từ năm 2000 trở lại đây. Mục tiêu tăng trưởng đang được hỗ trợ bởi các chính sách nới lỏng đang áp dụng và quán tính tăng trưởng thường mạnh về cuối năm.

CPI (MoM) tháng 9: 2.2%, CPI (YoY) tháng 9:  6.48%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 9 tăng mạnh 2.2% so với tháng 8, tăng 6.48% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 5.13% so với tháng 12/2011.

Như vậy, mức tăng chỉ số giá tháng 9 đã khiến CPI (YoY) đảo chiều tăng mạnh lên 6.48%, so với mức đáy 5.04% trong tháng 8/2012 vừa qua.

Trong các tháng tới, diễn biến giá cả ở nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng sẽ tạo sức ép không nhỏ lên lạm phát, do những ảnh hưởng của mùa mưa lũ ở các vùng miền Trung – Bắc và đợt điều chỉnh giá bán lẻ điện có khả năng diễn ra kể từ tháng 10. Trong khi đó, các yếu tố bên ngoài vẫn còn diễn biến khá phức tạp trước các chính sách kích thích kinh tế của nhiều nước trên thế giới.

FDI đăng ký 9 tháng: 9.53 tỷ USD, FDI thực hiện: 8.1 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/09, vốn FDI đăng ký (bao gồm cả đăng ký mới và bổ sung) ước đạt 9.53 tỷ USD, bằng 72.1% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, vốn FDI tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6.24 tỷ USD, chiếm 65.5% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1.81 tỷ USD, chiếm 19%; các ngành còn lại đạt 1.48 tỷ USD, chiếm 15.5%.

Tín hiệu tích cực là vốn FDI thực hiện vẫn khả quan khi đạt 8.1 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ 1.2% so với cùng kỳ năm 2011 và nhỉnh hơn một tí so với các năm trước đó (2008, 2009 và 2010).

Dữ liệu quá khứ cho thấy, lượng vốn FDI thực hiện trong năm 2008 đạt 11.5 tỷ USD, năm 2009 đạt 10 tỷ USD, năm 2010 đạt 11 tỷ USD, năm 2011 đạt 11 tỷ USD. Như vậy, nhiều khả năng lượng vốn FDI ước thực hiện trong cả năm 2012 sẽ đạt ở mức hai con số.    

Cán cân thương mại tháng 9: -100 triệu USD, 9 tháng: +34 triệu USD

Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 9.7 tỷ USD, giảm 5.9% so với tháng trước và tăng 18.2% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 83.8 tỷ USD, tăng 18.9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước tính đạt 9.8 tỷ USD, giảm 4.5% so với tháng trước và tăng 0.2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 83.7 tỷ USD, tăng 6.6% so với cùng kỳ năm 2011.

Do đó, cán cân thương mại tháng 9 ước tính thâm hụt 100 triệu USD, nhưng cán cân 9 tháng đầu năm 2012 vẫn thặng dư 34 triệu USD.

Như vậy, kể từ năm 2008 đến nay, cán cân thương mại trong 9 tháng đầu năm 2012 đã được cải thiện rõ nét và góp phần giảm sức ép lên biến động tỷ giá.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tiêu cực, mức tăng trưởng nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ các năm cho thấy mức độ ì ạch của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thu ngân sách 9 tháng: 468.6 nghìn tỷ đồng, chi ngân sách: 606.3 nghìn tỷ đồng

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/09 ước đạt 468.6 ngàn tỷ đồng, bằng 63.3% dự toán năm. Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước trong giai đoạn này là 606.3 ngàn tỷ đồng, bằng 67.1% dự toán năm.

Theo đó, bội chi ngân sách đến thời điểm này là 137.7 ngàn tỷ đồng, bằng 98.2% dự toán năm 2012 (140.2 ngàn tỷ đồng).

Về vấn đề này, trong phiên họp thường kỳ tháng 9, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ ứng trước ngân sách nhà nước của năm 2013 là 30 ngàn tỷ đồng.

Như vậy, nếu trừ khoảng ứng trước như trên (30 ngàn tỷ đồng), thì bội chi ngân sách đến thời điểm này sẽ vào khoảng 107.7 ngàn tỷ đồng. Theo đó, mục tiêu bội chi ngân sách 140.2 ngàn tỷ đồng, hay 4.8% GDP có thể nằm trong khả năng thực hiện của Chính phủ.

II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT 

• Ngày 26/09, Standard & Poor's (S&P) điều chỉnh Đánh giá Mức độ Rủi ro trong Hệ thống Ngân hàng (BICRA) của Việt Nam từ “Nhóm 10” - nhóm cao nhất - xuống “Nhóm 9”.

S&P cũng điều chỉnh mức độ rủi ro kinh tế từ “10 điểm” xuống “9 điểm” sau khi thay đổi đánh giá về tình trạng mất cân bằng của nền kinh tế từ mức “rủi ro rất cao” xuống mức “rủi ro cao”.

Trong cùng ngày, Standard & Poor's (S&P) nâng xếp hạng tín nhiệm của 3 ngân hàng Việt Nam là Vietcombank (VCB), Sacombank (STB) và Techcombank (TCB) đồng thời thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của BIDV và Vietinbank (CTG).

• Không đồng quan điểm, ngày 28/09, Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ của Việt Nam từ “B1” xuống “B2”. Triển vọng dành cho mức xếp hạng mới là “ổn định”.

Tương tự, Moody's hạ xếp hạng tiền gửi nội và ngoại tệ của tất cả 8 ngân hàng Việt Nam đang được tổ chức này đánh giá là ACB, BIDV, CTG, MBB, SHB, STB, TCB và VIB. Triển vọng dành cho mức xếp hạng mới của tất cả các ngân hàng là “ổn định”.

• Theo công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2012, tính đến 20/9, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2.35% so với thời điểm 31/12/2011.

Tính đến ngày 31/8/2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10.37%; tổng số dư tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 11.23%.

• Dựa trên đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã quyết định gia hạn thêm 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp của tháng 6/2012 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh  nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Trước đó, các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm trên đã được gia hạn 6 tháng đối với thuế GTGT tháng 4, 5 và 6/2012.

Như vậy, với quyết định của Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2012, các doanh nghiệp này sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các khoản thuế GTGT của tháng 4 và 5/2012 trong tháng 1/2013, và riêng khoản thuế GTGT của tháng 6/2012 sẽ được gia hạn thời gian nộp đến tháng 4/2013.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN