Lệch pha lợi nhuận doanh nghiệp dược

Lệch pha lợi nhuận doanh nghiệp dược

Một công ty ghi nhận mức lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm 2012 vượt cả 12 doanh nghiệp còn lại. Có đơn vị thừa tiền, không chịu bất kỳ áp lực nợ nần nào thì cũng có người đang phải thấp thỏm lo âu khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã thuộc hàng quá cỡ.

Đó là bức tranh hoạt động của 13 công ty dược niêm yết trên thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2012.

DHG: Ôm trọn 50% lãi toàn ngành

Trong 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu thuần của toàn ngành dược đạt 8,834 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 500 tỷ đồng.

Nhìn vào bức tranh trên, có thể thấy lợi nhuận có sự lệch pha rất lớn mặc dù không có đơn vị nào thua lỗ. Với 259 tỷ đồng đạt được trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ riêng DHG đã chiếm trên 50% lợi nhuận ròng toàn ngành. Xét về doanh thu thuần, công ty ghi nhận mức tăng trưởng 13% so cùng kỳ năm trước, đạt 1,312 tỷ đồng; lãi trước thuế 303 tỷ đồng, tăng trưởng 27%. Tỷ suất lãi gộp của DHG ở mức 47.7%, đứng thứ 2 toàn ngành. Nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm, DHG đã thực hiện được 60% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm (505 tỷ đồng).

 

DHG “sừng sững” trong bức tranh lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2012

Với TRA, công ty đang xếp thứ 2 về lợi nhuận ròng toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm, chỉ đứng sau DHG khi đạt 50.8 tỷ đồng. Chỉ tiêu này ghi nhận mức tăng 20% so cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, PPPDCL là hai công ty trong ngành có mức lợi nhuận chỉ hơn 1 tỷ đồng.

VMD: “Đầu voi, đuôi chuột”

Thống kê còn cho thấy doanh thu thuần cao chưa hẳn đã hoạt động hiệu quả. Cụ thể như trường hợp của VMD. Doanh thu thuần của công ty này vượt con số 4,000 tỷ đồng, chiếm 47% tỷ trọng toàn ngành nhưng lãi chưa đến 7 tỷ đồng, tức chỉ nhỉnh hơn vài công ty nhỏ như DHT, DBT, PPP và DCL.

“Soi” báo cáo tài chính bán niên soát xét hợp nhất của VMD thì thấy, lợi nhuận bèo bọt chủ yếu do chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng cao. Theo giải trình của VMD, biến động trên là do công ty thực hiện tái cấu trúc và xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 của doanh nghiệp ngành dược

* Công ty mẹ

IMP soán ngôi OPC về tỷ suất lãi gộp

Nhìn chung, có đến 70% công ty ghi nhận mức tỷ suất lợi nhuận gộp sa sút trong 6 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lãi gộp bình quân ngành nửa đầu năm nay cũng giảm còn 22.8%, thấp hơn mức 25% của 6 tháng đầu năm 2011.

Cá biệt, trong nửa đầu năm nay hoàn toàn vắng bóng các công ty có tỷ suất lãi gộp trên 50% như cùng kỳ năm trước. Hiện tại, hệ số này cao nhất toàn ngành đang thuộc về IMP với 49.4%. Dù dẫn đầu thị trường nhưng tỷ suất lãi gộp của công ty đã thấp hơn mức 51.4% cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ suất lợi nhuận gộp cũng có sự giảm sút đối với trường hợp của OPC. Công ty này có tỷ suất lãi gộp cao nhất toàn thị trường, lên tới 51.7% trong 6 tháng đầu năm 2011 nhưng bán niên năm nay giảm còn 47.6%, chủ yếu do giá vốn hàng bán đã tăng lên đáng kể.

Như vậy, IMP đã vượt OPC đề giành ngôi quán quân về tỷ suất lãi gộp trong bán niên đầu 2012.

 

Tỷ suất lợi nhuận gộp ngành dược nửa đầu năm 2012 (Đơn vị tính: %)

Vua “tiền tươi”

Tính đến hết tháng 6/2012, DHG là doanh nghiệp dược đang có “tiền tươi” khá dồi dào với hơn 555 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 88 tỷ đồng so với số đầu năm. “Cục tiền” khủng này đã giúp cho DHG dẫn đầu toàn ngành về chỉ tiêu này.

Một khoản cách khá xa so với DHG nhưng cũng đủ để VMD vượt các đối thủ trong ngành về tiền mặt khi chỉ tiêu này đạt 123 tỷ đồng. So với số đầu năm, tiền và tương đương tiền của VMD đã tăng thêm 41.5 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, khoản mục tiền và tương đương tiền của SPM và PPP hiện ở mức khá thấp. Tại thời điểm kết thúc quý 2/2012, SPM chỉ có hơn 1 tỷ đồng, PPP vỏn vẹn 723 triệu đồng.

Thông thường, tiền và tương đương tiền có tính thanh khoản cao. Sở hữu lượng tiền nhiều là một lợi thế của công ty trong việc trang trải cho các hoạt động kinh doanh, giảm bớt áp lực tài chính. Tuy nhiên, nếu để tiền mặt tồn tại trong “két” quá lâu, tiền rất dễ bị mất giá dưới tác động của lạm phát.

 

Tiền và tương đương tiền của công ty dược trong 6 tháng đầu năm 2012 (Đơn vị tính: Tỷ đồng)

VMD: Nặng gánh nợ nần

Theo tính toán, hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu (DER) của ngành dược thuộc vào loại trung bình so với các ngành khác. DER bình quân ngành này chỉ ở vào khoảng 1.41 lần, hơn phân nửa doanh nghiệp ghi nhận hệ số DER thấp hơn 1. Thấp nhất toàn ngành thuộc về IMP khi DER bằng 0.13 lần, PMC là 0.31 lần, DHG là 0.45 lần.

Mặc dù DER bình quân ngành không cao nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Theo thống kê, VMD là công ty dược duy nhất trên toàn thị trường chịu sức ép nặng nề khi để Nợ phải trả vượt 23 lần vốn chủ sở hữu. Hệ số DER cao vì doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu thấp với 164 tỷ đồng, trong khi khoản nợ phải trả phình to 3,858 tỷ đồng. Trong đó 3,645 tỷ đồng nợ ngắn hạn trở thành một gánh nặng thực sự đối với công ty này (công ty có gần 2,680 tỷ đồng chưa trả cho người bán).

Các hệ số khác của VMD cũng khá “ấn tượng”, gồm có tổng nợ vay gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn vượt 17 lần nợ dài hạn.

Hiện có 3 công ty dược niêm yết ghi nhận hệ số DER trên 2 lần, gồm có DBT (2.68 lần), PPP (2.35 lần) và DCL (2.18 lần). Với DBT, công ty này chủ yếu chịu áp lực về nợ ngắn hạn khi khoản mục này chiếm tới 209 tỷ đồng, vượt 35 lần nợ dài hạn.

 VMD có nợ phải trả trong 6 tháng đầu năm 2012 vượt Vốn chủ sở hữu 23 lần
 

Bội Mẫn (Vietstock)

FFN