S&P: Rủi ro hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm

S&P: Rủi ro hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm

Ngày 26/09, Standard & Poor's (S&P) điều chỉnh Đánh giá Mức độ Rủi ro trong Hệ thống Ngân hàng (BICRA) của Việt Nam từ “Nhóm 10” - nhóm cao nhất - xuống “Nhóm 9”.

* S&P nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định”

* S&P nâng xếp hạng tín nhiệm VCB, Sacombank, TCB; giữ nguyên BIDV và Vietinbank


S&P cũng điều chỉnh mức độ rủi ro kinh tế từ “10 điểm” xuống “9 điểm” sau khi thay đổi đánh giá về tình trạng mất cân bằng của nền kinh tế từ mức “rủi ro rất cao” xuống mức “rủi ro cao”.

Nguyên nhân của động thái trên theo S&P là do hoạt động tín dụng và giá cả tài sản tăng trưởng vừa phải nhờ các chính sách bình ổn của Chính phủ.

Trong khi đó, tổ chức này giữ nguyên đánh giá về độ rủi ro ngành ở mức “8 điểm”, độ linh hoạt kinh tế ở mức “rủi ro rất cao” và rủi ro tín dụng trong nền kinh tế ở mức “cực kỳ cao”.

S&P nhận định, các biện pháp chính sách được Chính phủ Việt Nam áp dụng trong năm 2011 nhằm ổn định kinh tế đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng và bình ổn giá cả tài sản, qua đó góp phần hạ thấp sự mất cân bằng trong nền kinh tế.

Theo đó, chính sách tín dụng thắt chặt đã khiến tăng trưởng tín dụng 2011 giảm về mức 14.5%, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân trong 4 năm trước đó là 28%. Việc hạn chế cho vay đối với các lĩnh vực phi sản xuất – mà chủ yếu là cho vay bất động sản và cho vay chứng khoán – cũng đã góp phần hạ thấp giá tài sản. Hai yếu tố này đã giúp các chỉ báo quan trọng cải thiện. Tính đến tháng 9/2012, lạm phát hạ nhiệt về mức 6.5% từ mức đỉnh 23% trong tháng 8/2011, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất chính sách và kéo giảm lãi suất cho vay.

Dù ghi nhận những cải thiện trên nhưng S&P cho rằng rủi ro mất cân bằng kinh tế tại Việt Nam vẫn còn tồn tại. Chính phủ đã nới lỏng chính sách để hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng và điều này có thể làm dấy lên mối lo ngại về cam kết ổn định giá cả. Nếu nới lỏng chính sách quá mạnh sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong hoạt động vay mượn của lĩnh vực tư nhân. Quá trình khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ đang ở trong giai đoạn đầu và đang có ý kiến cho rằng cần duy trì sự thận trọng trong quản trị, đặc biệt là nợ xấu đang trên đà gia tăng.

Theo S&P, Việt Nam là một nền kinh tế có thu nhập thấp với hệ thống tài chính đang phát triển và khung chính sách đang trong quá trình hoàn thiện. Những yếu kém này khiến nền kinh tế dễ bị tác động bởi các cú sốc nghiêm trọng. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng khả quan của Việt Nam phần nào bù đắp được những yếu kém trên.

Liên quan đến độ rủi ro tín dụng trong nền kinh tế, S&P dự báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2012 và hy vọng gánh nặng tài trợ nợ của lĩnh vực tư nhân sẽ giảm nhờ tăng trưởng cho vay thấp hơn so với năm 2011.

Mức điểm rủi ro ngành “8” phản ánh “rủi ro cực kỳ cao” đối với khung quy định về tổ chức, “rủi ro rất cao” đối với động lực cạnh tranh và “rủi ro trung bình” đối với việc cấp vốn trong toàn hệ thống.

Dù vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam lại được nâng đỡ bởi mức độ ổn định của lượng tiền gửi tiêu dùng cơ bản (core customer deposits) vì hoạt động này làm giảm sự phụ thuộc của các ngân hàng vào nguồn vốn bên ngoài. Theo S&P, Chính phủ sẽ hỗ trợ việc cấp vốn trong hệ thống ngân hàng nếu cần thiết.

S&P đánh giá sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với hệ thống ngân hàng trong nước là “rất cao” sau quá trình tổ chức này theo dõi sự hỗ trợ dành cho các tổ chức quan trọng trong hệ thống, bao gồm việc bơm vốn.

Trước đó vào ngày 06/06, S&P nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định” và giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm ngắn và dài hạn của Việt Nam lần lượt ở mức “B” và “BB”.

Tháng 11 năm ngoái, S&P điều chỉnh BICRA của Việt Nam từ “Nhóm 9” lên “Nhóm 10” do thay đổi phương pháp luận. Tổ chức này cũng gia tăng mức độ rủi ro của nền kinh tế từ “9 điểm” lên “10 điểm” và đánh giá độ rủi ro ngành ở mức “8 điểm”. Thời điểm đó, hai quốc gia thuộc nhóm BICRA 10 là Hy Lạp và Belarus.

Được biết các nhóm BICRA thể hiện quan điểm của S&P về rủi ro mà một ngân hàng hoạt động trong một quốc gia hay một hệ thống ngân hàng cụ thể phải đối mặt so với mức độ rủi ro tại các hệ thống ngân hàng khác. “Nhóm 1” là nhóm có mức độ rủi ro thấp nhất còn “Nhóm 10” là nhóm có mức độ rủi ro cao nhất.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN