AGD: Sự thực việc hủy niêm yết của một DN hiệu quả

AGD: Sự thực việc hủy niêm yết của một DN hiệu quả

Việc AGD đang làm ăn hiệu quả bất ngờ hủy niêm yết tự nguyện khiến nhiều NĐT nghi vấn, AGD hủy niêm yết để bán cho một tổ chức nước ngoài.

ĐHCĐ bất thường CTCP Gò Đàng (AGD) vừa thông qua quyết định hủy niêm yết tự nguyện toàn bộ cổ phiếu đang niêm yết. Việc một DN đang kinh doanh hiệu quả như AGD xin rời sàn đã gây không ít bất ngờ cho thị trường.

Lâu nay, việc hủy niêm yết thường rơi vào trường hợp DN thua lỗ kéo dài hoặc vi phạm quy chế về công bố thông tin, bị hủy niêm yết bắt buộc. Nhưng trường hợp của AGD thì ngược lại. 9 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh các DN ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, Công ty vẫn đạt lợi nhuận 70 tỷ đồng (trên vốn điều lệ 120 tỷ đồng). Điều này được phản ánh trên giá cổ phiếu AGD, luôn duy trì ở mức cao (chốt phiên 10/10, giá cổ phiếu AGD ở mức 49.500 đồng/CP.

9 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh các DN thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, AGD vẫn đạt lợi nhuận 70 tỷ đồng (trên vốn điều lệ 120 tỷ đồng)

Quyết định rút lui bất ngờ của AGD được ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty giải thích, sau 3 năm đưa cổ phiếu niêm yết trên TTCK, Công ty nhận thấy, việc niêm yết đã không đạt được mục tiêu, cả về tính thanh khoản của cổ phiếu lẫn hiệu quả huy động vốn. Đây là lý do chính khiến AGD quyết định huỷ niêm yết để rời sàn. Tuy nhiên, từ thị trường, không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi, một khi các cổ đông lớn “ôm” khư khư cổ phiếu, không chịu bán ra bên ngoài thì làm sao tạo được tính thanh khoản cho cổ phiếu AGD? Thực tế, trung bình mỗi phiên, chỉ khoảng vài nghìn cổ phiếu AGD được giao dịch. Trong cơ cấu cổ đông của AGD, HĐQT và các cổ đông lớn hiện đang sở hữu hơn 90% cổ phần của Công ty, cổ đông nhỏ lẻ chỉ nắm giữ gần 10%.

Theo ông Đạo, HĐQT Công ty đã được ủy quyền xây dựng phương án mua lại cổ phần của cổ đông nhỏ với giá 50.000 đồng/CP, tương đương thị giá hiện tại trước khi hủy niêm yết. “Nếu nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phần AGD, Công ty vẫn đảm bảo nghĩa vụ trả cổ tức, cổ phiếu thưởng (nếu có)… đều đặn qua các năm”, ông Đạo nói.

Trước nghi vấn AGD hủy niêm yết để bán lại cho một tổ chức nước ngoài, ông Đạo khẳng định, Công ty đang kinh doanh hiệu quả nên không có lý do gì để ông và các cổ đông sáng lập phải bán cho một đối tác khác, mà chỉ huy động vốn từ các đối tác để mở rộng và phát triển hoạt động hiện tại. ĐHCĐ Công ty đã thông qua kế hoạch phát hành từ 6 - 9 triệu cổ phiếu để chào bán cho 2 cổ đông chiến lược, nhằm huy động vốn đầu tư cho xây dựng vùng nuôi cá tra nguyên liệu và nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 55.000 đồng/CP. Hiện các bên đang trong quá trình đàm phán về giá và việc phát hành dự kiến được thực hiện trong quý IV/2012.

AGD không phải là trường hợp cá biệt xin hủy niêm yết khi đang kinh doanh hiệu quả. Trước đó, một số DN như CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP), CTCP Vinafco (VFC) cũng tự nguyện hủy niêm yết khi các DN này đang kinh doanh rất hiệu quả. Chỉ có điều, lý do rời sàn của MKP là do những vướng mắc về chính sách đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch HĐQT của một DN lớn đang niêm yết trên HOSE chia sẻ, không thể phủ nhận, TTCK là một kênh huy động vốn cần thiết cho các DN và giá trị của TTCK mang lại cho các DN nếu huy động được vốn là không nhỏ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khó khăn chung của thị trường làm cho cổ phiếu không còn hấp dẫn như trước. “Mỗi DN khi quyết định hủy niêm yết đều có những lý do riêng. Bản thân DN chúng tôi cũng đang rất mệt mỏi để bám trụ trên sàn. Nếu chỉ vì thị trường kém hấp dẫn mà “rủ nhau” rời bỏ kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế thì là điều hết sức đáng tiếc”, vị này cho biết.

Với AGD, việc xử lý quyền lợi của cổ đông hậu hủy niêm yết không phức tạp, vì cổ đông nhỏ lẻ chỉ nắm chưa đầy 10% cổ phần. Nhưng với thị trường và nhà đầu tư, việc hủy niêm yết của bất kỳ DN nào cũng sẽ tạo ra một khoảng trống, nhất là khi DN huỷ niêm yết đang kinh doanh hiệu quả.

Hải Vân

đầu tư chứng khoán