KSS: Nỗi lo sau kỳ Đại hội

KSS: Nỗi lo sau kỳ Đại hội

Sau 3 lần tổ chức, cuối cùng CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico cũng thông qua được Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2012 vào ngày 10/10. Tuy nhiên, đọc qua những nội dung thông qua sẽ khiến không ít cổ đông và nhà đầu tư lo ngại.

Đại hội lần này đã thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cả năm là 430 tỷ và 15 tỷ đồng, trong khi năm 2011 chỉ lãi 6.3 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm nay công ty lỗ ròng gần 10 tỷ đồng.

Như vậy, để đạt được kế hoạch đề ra, 6 tháng cuối năm công ty phải thu về đến 25 tỷ đồng lợi nhuận. Liệu đây có phải là kế hoạch khả thi khi từ lúc Đại hội đến hết năm còn chưa đầy 3 tháng? KSS đề ra kế hoạch cao trong khi mức cổ tức dự kiến chỉ có 5% và cổ tức năm 2011 cũng không được chia.

Riêng cổ tức 2010 đến nay mới được đưa ra bàn thảo và thống nhất chi trả 5% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu.

Ngoài ra, Đại hội còn thông qua kế hoạch tăng vốn mà khi nhìn vào nhiều cổ đông và nhà đầu tư sẽ cảm thấy ngán ngẩm. Cụ thể, công ty dự kiến chào bán 12.095 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng và tỷ lệ thực hiện 2:1, nhưng giá trên sàn của cổ phiếu này còn chưa đến 7,000 đồng/cp. Do vậy, người bình thường cũng dễ dàng nhận ra đợt phát hành sẽ khó thành công như kế hoạch.

Dường như để cứu cánh cho đợt phát hành cổ phiếu, HĐQT đã trình Đại hội và được thông qua phương án phát hành riêng lẻ 1 triệu trái phiếu chuyển đổi bằng với mệnh giá (100,000 đồng) cho các nhà đầu tư chiến lược. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm, lãi suất 10%/năm, tiền lãi thanh toán định kỳ 6 tháng.

Đến ngày đáo hạn, trái phiếu này sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu với tỷ lệ 1:10, tức 1 trái phiếu chuyển thành 10 cổ phiếu.

Vốn thu được từ 2 đợt phát hành dự kiến khoảng 220.95 tỷ đồng, được công ty dùng để đầu tư và mở rộng dự án khai thác và chế biến kẽm Ngân Sơn (Giai đoạn 1 và 2), mở rộng khai thác và chế biến quặng sắt Pù Ô, liên kết đầu tư nhà máy luyện thép với CTCP thép Cửu Long Yên Bái và bổ sung vốn lưu động.

Tính đến ngày 30/06/2012, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của KSS còn lại hơn 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 177 tỷ đồng, hiện công ty đang được tài trợ lớn từ nguồn vốn ngắn hạn, con số nợ ngắn hạn đã lên mức 546 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu 355 tỷ đồng.

Tình trạng đáng báo động mới diễn ra trong năm nay, bởi cho đến cuối năm 2011, nợ ngắn hạn vẫn thấp hơn vốn chủ sở hữu chỉ 292 tỷ đồng.


Mỹ Hà (Vietstock)

FFN

Tài liệu đính kèm:
20121012-KSS-NQDHCD-2012.pdf