TienPhongBank: Câu chuyện về đứa con đẻ của FPT

Nhìn lại những cuộc đổi chủ ngân hàng (Phần 2)

Những thương vụ đổi chủ của các ngân hàng khá rầm rộ và tốn không ít giấy mực gần đây gợi nhớ đến những cái tên như VietABank, TienPhongBank, Techcombank, MaritimeBank, GPBank và Sacombank. Khác với sáp nhập hay hợp nhất, việc thay đổi cơ cấu sở hữu và hội đồng quản trị của những đơn vị trên không làm mất đi các thương hiệu, và đây cũng là những hoạt động thường thấy trên các thị trường chứng khoán.

TienPhongBank: Câu chuyện về đứa con đẻ của FPT

Được “chính chủ” TienPhongBank nép mình, rộng cửa chào đón nên thương vụ đổi chủ của ngân hàng này qua Tập đoàn Doji dường như không có tai tiếng để lại.

Là ngân hàng sinh sau đẻ muộn, TienPhongBank ra đời với niềm tự hào được thừa hưởng sức mạnh về công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông và cả tài chính từ ba tổ chức sáng lập là FPT, MobiFone và Vinare.

Tuy nhiên, sự rẽ ngang qua lĩnh vực ngân hàng có lẽ không phải là lựa chọn đúng đắn của FPT. Chỉ sau 4 năm hoạt động, TienPhongBank đã sớm bộc lộ những yếu kém trong hoạt động và không thể cạnh tranh được trên thị trường. Thu nhập từ lãi thuần của TienPhongBank, là hoạt động kinh doanh cốt lõi đối với một ngân hàng, lại giảm dần theo thời gian và đến năm 2011 chỉ còn những giá trị âm qua các quý.

Nguồn thu chính mà TienPhongBank có được lại mang cái tên “hoạt động khác”.

Chẳng những vậy, đến cuối năm 2011 thì Tổng giám đốc của TienPhongBank, ông Vũ Tú bị bắt sau một năm điều hành do bị tình nghi liên quan việc sử dụng sai quy định số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.

Trong công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng thời gian qua, cái tên TienPhongBank cũng không thoát khỏi nhóm những ngân hàng yếu cần phải “xử lý”. Và đơn vị này đã lựa chọn cho mình con đường “kín tiếng nhất” bằng mở rộng cửa và trải thảm để chào đón những “ông chủ” mới.

Nắm bắt được những cơ hội tại TienPhongBank, nhóm nhà đầu tư gồm Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI (do ông Đỗ Minh Phú làm Chủ tịch), cùng cá nhân ông Đỗ Minh Phú, ông Đỗ Anh Tú (em trai ông Phú) và một số cổ đông khác đã nhanh chóng “tìm được tiếng nói chung” và “bắt tay” cùng HĐQT hiện hữu của TienPhongBank.

Với họ, nhóm cổ đông mới, “TienPhong Bank như một cậu bé mới lớn, cho nên dù có vấp ngã cũng dễ đứng dậy, dễ uốn, dễ nuôi và dễ đưa vào quỹ đạo” như lời của ông Đỗ Minh Phú chia sẻ trong bài phỏng vấn trên báo.

Đến kỳ Đại hội thường niên 2012. Một sự kiện thu hút được sự quan tâm và theo dõi của giới đầu tư bởi sự xuất hiện chính thức của những tên tuổi mới. Ông Đỗ Minh Phú cùng em trai Đỗ Anh Tú bước lên vị trí quyền lực nhất – Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT. Nhóm cổ đông mới “thống lĩnh” ngân hàng với tỷ lệ sở hữu 20%, những thành viên sáng lập vẫn giữ nguyên tỷ lệ cổ phần nắm giữ (FPT: 16.9%, Vinare: 10%, MobiFone: 4.76%, SBI VEN Holdings: 4.9%).

Tuy nhiên, sự minh bạch thông tin về sự kiện trên vẫn khiến không ít nhà đầu tư thất vọng. Đến sát giờ Đại hội, website của TienPhongBank tuy có vẻ rất minh bạch với đầy đủ tài liệu Đại hội nhưng đường dẫn đến các tài liệu quan trọng chẳng hạn như phương án tái cơ cấu, kế hoạch tăng vốn lại “sơ suất”…không thể tải về xem được.

Có chăng những gì mà nhà đầu tư biết được là những phát biểu mạnh mẽ trên khắp các mặt báo của nhóm cổ đông lớn rằng sẽ tham gia trực tiếp vào việc tái cấu trúc TienPhongBank, sẽ đưa TienPhongBank lọt vào nhóm ngân hàng có chất lượng dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam trong giai đoạn bản lề 5 năm tới hay là những giới thiệu về tiềm lực và thế mạnh của Doji. Nhưng cụ thể hơn, nhóm cổ đông mới sẽ làm gì, đề án tái cấu trúc như thế nào lại “ẩn mình” rất kỹ.

“Cha đẻ” rút lui

Trở lại năm 2008, TienPhongBank ra đời và được biết đến như là “đứa con đẻ” của Tập đoàn FPT. HĐQT lúc bấy giờ có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên đến từ FPT là ông Lê Quang Tiến (giữ chức Chủ tịch) và ông Trương Gia Bình (Thành viên).

TienPhongBank khởi điểm với vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng, trong đó 50% vốn đến từ cổ đông sáng lập.

Đến năm 2011, với sự thống lĩnh của nhóm cổ đông mới, mặc dù FPT vẫn còn sở hữu nguyên 16.9% vốn của TienPhongBank nhưng vị “cha đẻ” này đã không còn nhận “con”. Khoản đầu tư vào TienPhongBank không được hợp nhất vào báo cáo tài chính của FPT mà chuyển thành khoản đầu tư tài chính kể từ năm 2011. Lý giải cho điều này, FPT cho biết do FPT hiện không còn ảnh hưởng đáng kể đến TienPhongBank, không còn tham gia sâu và công tác hoạch định chính sách và ảnh hưởng đáng kể đến chính sách của ngân hàng này.

Về phía cổ đông sáng lập Vinare, mặc dù vẫn giữ nguyên tỷ lệ 10% sở hữu tại TienPhongBank nhưng đơn vị này hiện đã từ chối quyền mua cổ phần TienPhongBank trong đợt tăng vốn điều lệ từ 3,000 tỷ đồng lên 4,500 tỷ đồng dự kiến trong năm nay.

Đón đọc tiếp Nhìn lại những cuộc đổi chủ ngân hàng (Phần 3)...

Phần 1: VietABank: Tập đoàn Việt Phương “soán ngôi” Chủ tịch từ S.J.C

Đan Thanh (Vietstock)

Finfonet