Cần luật hóa và minh bạch hóa các nguồn thu

Cần luật hóa và minh bạch hóa các nguồn thu

Để tăng nguồn thu từ thuế TNCN, thì tốt nhất, nên luật hóa và minh bạch hóa những nguồn thu khác nhau của công dân, có những biện pháp chế tài với người dân sao cho tất cả mọi công dân đều tuân thủ. Có như vậy, mới vừa tăng thêm được nguồn thu từ thuế TNCN vừa rút dần khoảng cách bất công trong nộp thuế giữa người giàu và người nghèo.

Không phải ngẫu nhiên mà một trong những luật được Quốc hội đưa ra bàn thảo sôi nổi tại kỳ họp Quốc hội lần này và thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân là Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Bởi nó “động chạm” đến “miếng cơm manh áo” của nhiều người.

Thực ra, Luật này đã được áp dụng trên hầu khắp thế giới từ lâu, và với từng quốc gia, mức thuế lại có những quy định khác nhau, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập bình quân của công dân.

Ở Việt Nam, khi lần đầu sắc thuế này được áp dụng, nhiều người đã thấy những bất hợp lý bộc lộ khá rõ với mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Để khắc phục bất cập đó, kỳ họp lần này, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế đã được đề xuất điều chỉnh, từ 4 triệu đồng/tháng tăng lên 9 triệu đồng/tháng và đối với người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng tăng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, so với mặt bằng giá trong đời sống hiện nay, khi mà một người lao động chính thường phải gánh vác cả gia đình, nhiều khi phải nuôi cả cha mẹ già không có lương hưu và hai con còn nhỏ phải ăn học, thì việc điều chỉnh mức giảm trừ nói trên chưa phải đã là hợp lý, nhất là ở các đô thị hay khu công nghiệp, thu nhập sau khi trừ thuế dành để chi dùng trong gia đình, đa số người dân vẫn còn phải “thắt lưng buộc bụng” lắm may ra mới vừa đủ trang trải.

Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn tỏ ra rất băn khoăn về các mức giảm trừ trên, và đề nghị mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc nên tăng lên 4,5 triệu đồng/người/tháng. Thậm chí, một số đại biểu còn đề nghị rất nhân bản là nên tăng mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc bị mắc bệnh nan y là 7,2 triệu đồng/tháng.

Mặc dù, nguồn ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp, nhưng xét một cách tổng thể và lâu dài, những đề nghị như thế đều rất hợp tình hợp lý. Vì vậy, Luật sửa đổi Luật Thuế TNCN lần này nên chăng cũng cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp.

Nhìn sang những nước phát triển (tất nhiên chúng ta chưa thể so bì với họ), số thu ngân sách từ thuế TNCN của họ là rất lớn, vì những tầng lớp người có thu nhập cao ở các nước ấy rất đông, và cái chính, là chuyện trốn hoặc khai man thu nhập để trốn thuế ở các nước ấy là cực khó. Nhà tù của họ “sẵn sàng” mở cửa cho những người trốn hoặc khai man thu nhập, trốn thuế.

Còn ở nước ta, số người có thu nhập cao ổn định và có thể tính được để buộc phải đóng thuế TNCN không nhiều (chỉ khoảng 3,5 triệu người). Trong khi đó, có rất nhiều người thu nhập thực tế cực cao nhưng lại không phải đóng một đồng thuế TNCN nào cả, vì thu nhập của họ không rõ ràng, không thể đưa vào sổ sách, không có “hóa đơn đỏ”. Thực tế, rất nhiều người giàu ở Việt Nam hiện nay không đóng thuế TNCN, hoặc chỉ đóng rất ít, không đáng kể so với thu nhập thực tế của họ.

Để tăng nguồn thu từ thuế TNCN, thì tốt nhất, nên luật hóa và minh bạch hóa những nguồn thu khác nhau của công dân, có những biện pháp chế tài với những người trong thực tế giàu có mà lại không hoặc chỉ nộp rất ít thuế TNCN. Rồi cũng nên chừa một khoảng nhà tù dành cho những người khai man thu nhập cá nhân và trốn thuế TNCN, như ở các nước văn minh người ta vẫn làm và tất cả mọi công dân đều tuân thủ.

Có như vậy, mới vừa tăng thêm được nguồn thu từ thuế TNCN vừa rút dần khoảng cách bất công đó.

Thanh Thảo

thời báo ngân hàng

Tags: