Macro View: Nhận định sự kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến TTCK

Macro View: Nhận định sự kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến TTCK

Phân tích các sự kiện kinh tế vĩ mô vừa diễn ra, các số liệu công bố và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Tính đến ngày 31/10/2012, tổng dư nợ cho vay với nền kinh tế của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đạt 469,340 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 306,695 tỷ đồng, chiếm gần 70%. Hiện Chính phủ đang xem xét đề án cơ cấu lại Agribank cùng với các công ty trực thuộc.

So với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 2.8 triệu tỷ đồng, riêng dư nợ cho vay của Agribank đã chiếm khoảng 17%. Cùng với các NHTM Nhà nước và NHTM mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối khác, có thể thấy nhóm ngân hàng này đang chiếm phần lớn thị phần tín dụng của nền kinh tế.

Với thực trạng rủi ro nợ xấu đang tăng mạnh, chất lượng tín dụng ở nhóm ngân hàng có thị phần lớn nhất này cũng là một vấn đề lớn. Việc xem xét cơ cấu lại Agribank cùng với các công ty trực thuộc về mặt tích cực có thể giúp lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, nhưng rất có thể nhiều vụ việc sẽ được công khai và tâm lý giới đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

Trong vòng 80 ngày kể từ 15/11/2012, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Vietinbank trong giai đoạn từ 2009 - 30/9/2012.

Ngoài nội dung chủ đạo là thanh tra việc chấp hành pháp luật, đoàn thanh tra sẽ tập trung vào các hoạt động tín dụng; hoạt động đầu tư tài chính, việc mua sắm, thuê tài sản; việc sử dụng các quỹ; và cả những nội dung khác khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Tin tức này đã có tác động mạnh lên giao dịch trên TTCK sau khi xuất hiện. Đối với nhà đầu tư, đây không phải là tín hiệu vui bởi tâm trạng chung là lo ngại những kết quả thanh tra về hoạt động tín dụng, tài chính… sẽ tác động tiêu cực đến thị trường.

NHNN vẫn đang tiếp tục triển khai đánh giá thực trạng của ACB; và làm rõ các nội dụng có liên quan đến công ty, các cổ đông lớn của ACB. NHNN cũng đang tiến hành làm rõ vấn đề sở hữu chéo ngân hàng và trong năm 2013, hệ thống pháp luật về sở hữu chéo sẽ được ban hành.

TTCK trong phiên giao dịch ngày 21/11 đã phản ứng khá tiêu cực trước thông tin này. Dường như chuỗi ngày ảm đạm sau “sự kiện” bầu Kiên vẫn còn ám ảnh giới đầu tư.

Giới đầu tư cũng e ngại trước việc sẽ có thêm nhiều thông tin chi tiết liên quan đến vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng được công bố; và tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ.     

Theo số liệu từ cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM tăng thấp, chỉ lần lượt 0.22% và 0.1% so với tháng trước. Sự giảm giá của nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống có đóng góp quan trọng lên chỉ số CPI tháng này. 

Chỉ số giá tiêu dùng theo tháng liên tục giảm tốc trong hai tháng gần đây, sau đợt tăng đột biến vào tháng 9. Thị trường theo đó đã phản ứng khá tích cực trước thông tin CPI này. Đây là cơ sở để giới đầu tư kỳ vọng vào các hành động nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong thời gian tới khi lạm phát được kiềm chế.  

Tuy nhiên, như nhận định của chúng tôi, lạm phát không còn là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư, trong bối cảnh tổng cầu nền kinh tế vẫn chưa thể hồi phục và việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ có thể không đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. TTCK sau đó đã trở lại trạng thái giao dịch trì trệ như thời gian gần đây.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ ngày 01/11 đến 15/11, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu trong nước đạt khoảng 4.72 tỷ USD và 5 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa trong nửa đầu tháng 11 thâm hụt 283 triệu USD; và tính đến ngày 15/11, nhập siêu cả nước là 175 triệu USD.

Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu liên tục giữ ở mức trung bình thấp cho thấy nền kinh tế sẽ chưa sớm thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Mức thâm hụt thương mại thấp không đáng kể này sẽ không tạo áp lực đáng kể đến việc duy trì sự ổn định của tỷ giá USD/VNĐ vào giai đoạn cuối năm.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN