Tiêu điểm kinh tế vĩ mô hai tháng cuối năm 2012

Tiêu điểm kinh tế vĩ mô hai tháng cuối năm 2012

Đề án xử lý nợ xấu, bài toán thanh khoản ngân hàng và trần lãi suất, câu chuyện vàng sau ngày 25/11 là những tiêu điểm kinh tế vĩ mô trong hai tháng cuối năm 2012.

Tăng trưởng kinh tế thấp, nợ xấu gia tăng, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, xáo trộn trên thị trường vàng… là những vấn đề dễ dàng được liên tưởng tới khi đề cập đến tình hình kinh tế vĩ mô 10 tháng đầu năm 2012.

Sự cộng hưởng giữa các nhân tố khách quan và chủ quan đã giúp nền kinh tế duy trì được sự ổn định ở một số khía cạnh như lạm phát, thị trường ngoại hối, mặt bằng lãi suất và tính thanh khoản trên hệ thống ngân hàng…

Trong khi nhiều vấn đề yếu kém nổi lên, thì đây cũng là cơ hội để thực hiện công việc tái cấu trúc nền kinh tế. Dưới đây là một số vấn đề kinh tế vĩ mô quan trọng trong hai tháng cuối năm 2012.

Tiêu điểm vĩ mô hai tháng cuối năm 2012

(1) Đề án xử lý nợ xấu. Đề án xử lý nợ xấu có lẽ là thông tin được mong chờ nhất trong thời gian tới. Thông tin ban đầu cho thấy đây sẽ là một công ty quản lý tài sản do NHNN quản lý có quy mô vốn cỡ 100 ngàn tỷ đồng (100% vốn nhà nước), do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Mới đây, nguồn tin báo chí cho biết đề án này được trình lên cấp cao nhất vào ngày 15/11 và sẽ được triển khai ngay từ đầu năm 2013 nếu không có gì thay đổi.

Mặc dù đề án sẽ chưa sớm phát huy tác dụng lên hệ thống ngân hàng, cũng như nền kinh tế trong năm nay; nhưng có thể sự ra đời của nó sẽ tạo ra các “dư chấn” lên đối tượng có liên quan.

Một số câu hỏi gợi mở dưới đây sẽ giúp hệ thống lại cách nhìn nhận và đánh giá về hiệu quả của đề án xử lý nợ xấu sắp tới:

(i) Nguồn vốn nào cho công ty quản lý tài sản? Nếu sử dụng nguồn vốn ngân sách thì phải làm gì để giảm thiểu rủi ro cho người đóng thuế?

(ii) Cách thức sử dụng nguồn vốn như thế nào? Mua nợ xấu theo tiêu chuẩn nào, ở ngân hàng nào? Các ràng buộc nào đối với các TCTD được mua lại nợ xấu?

(iii) Hạn chế cơ chế “xin – cho” bằng cách nào? Liệu có thành lập ban kiểm soát độc lập để cập nhật, đánh giá và công khai kết quả với công chúng?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến 30/09/2012, nợ xấu theo báo cáo của các TCTD ở mức 4.93%, còn theo đánh giá của NHNN thì ở khoảng 8.82%. Song song đó, đã có khoảng 252,000 tỷ đồng được cơ cấu lại cho các doanh nghiệp khó khăn tạm thời (theo Quyết định 780 của NHNN). 

(2) Bài toán thanh khoản và trần lãi suất. Không như thời điểm cùng kỳ năm trước, bài toán thanh khoản trên hệ thống ngân hàng đã dịu đi đáng kể; và được xem là điều kiện cần để bước tiếp trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Số liệu trích dẫn từ NHNN cho thấy, tính đến 19/10/2012, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 2.46% so với cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng 4.41%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 5.41%. Trong khi đó, huy động của các TCTD đã tăng 14.02%; trong đó huy động VNĐ tăng 17.52% và USD giảm 1.55%.

Thông thường, thanh khoản khá dồi dào như hiện nay sẽ dễ dàng kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động – cho vay. Tuy nhiên, các nút thắt nợ xấu, đặc biệt nghiêm trọng ở các ngân hàng yếu kém, khiến cho “cuộc đua” huy động vốn giữa các TCTD vẫn đang diễn ra âm ỉ.

Vì lý do này, NHNN vẫn chưa sẵn sàng tháo bỏ trần lãi suất huy động 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn ngày dưới một năm.

Như vậy, với diễn biến lạm phát tăng dần vào cuối năm và cục nợ xấu chưa sớm được giải quyết thì biện pháp hành chính áp trần lãi suất huy động sẽ vẫn còn duy trì và mặt bằng lãi suất chưa thể giảm trong hai tháng cuối năm.

(3) Vàng sau ngày 25/11. Thông điệp cứng rắn về hoạt động huy động và cho vay vàng một lần nữa được nhắc lại trong Chỉ thị số 06 mới ban hành gần đây của NHNN, cũng như trong phiên chất vấn Thống đốc trước Quốc hội. Rõ ràng, cơ chế quản lý thị trường vàng đang dần hiện ra rõ nét hơn.

Về cơ bản, những giao dịch trên thị trường vàng sau thời điểm chấm dứt hoạt động huy động – cho vay vốn bằng vàng (25/11) sẽ không có quá nhiều biến động, trong bối cảnh giá vàng thế giới dao động đi ngang như hiện nay.

Tuy vậy, những rủi ro xáo trộn trên thị trường hàng hóa này vẫn có thể xảy ra và ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của hệ thống ngân hàng khi có giá vàng thế giới có biến động lớn. 

(i) Liệu có hạn chế được “sai lầm” quá khứ khi các TCTD lại tham gia lướt sóng thông qua nguồn vàng từ các hoạt động mua – bán hoặc giữ hộ, nếu kênh đầu tư này kỳ vọng mang lại lợi nhuận khủng?

(ii) Thanh khoản hệ thống ngân hàng có bị ảnh hưởng khi dòng tiền gửi tiết kiệm bị rút ra để quy đổi sang vàng, mỗi khi thị trường hàng hóa này có “sóng” lớn?

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN