Áp trần lãi suất có cứu nổi doanh nghiệp?

Áp trần lãi suất có cứu nổi doanh nghiệp?

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng các nhà kinh tế, đặc biệt là các chuyên gia tài chính ngân hàng bàn luận rất nhiều về việc áp trần lãi suất cho vay như là giải pháp cấp thiết giải cứu DN. Liệu điều này có khả thi?

Theo các chuyên gia, sở dĩ cần hạ lãi suất vì hai lý do chủ yếu: Lãi suất cho vay trên thế giới chỉ khoảng 3-5%/năm, do vậy các DN VN không thể cạnh tranh khi phải vay với lãi suất thấp nhất cũng gấp đôi con số trên. Hàng loạt DN VN sẽ phá sản nếu vẫn tiếp tục phải vay với lãi suất cao như hiện nay, do vậy cần hạ lãi suất để cứu DN.

Cơ sở để có trần lãi suất cho vay

Về cơ sở của áp đặt trần lãi suất, các chuyên gia không nêu các căn cứ mà chỉ khẳng định rằng, lãi suất chiết khấu là cơ sở tham chiếu của áp đặt trần lãi suất cho vay. Theo quan điểm của chúng tôi, áp đặt mức trần này là không khả thi bởi lẽ, theo Luật Dân sự, lãi suất cho vay không được vượt quá 1,5 lần lãi suất cơ bản. Như vậy, về thực chất là việc áp đặt trần lãi suất có tính pháp lý rất cao này đã không thể thực hiện trên thực tế. Mặt khác, nếu xét về phía ngân hàng, năm 2011 lãi suất huy động bình quân khoảng 16%/năm, vì vậy nếu cho DN vay với lãi suất 11%/năm thì ngân hàng sẽ thua lỗ và có thể dẫn đến phá sản. Do đó, việc áp đặt trần lãi suất có thể chỉ là sự đánh đổi sự phá sản của DN lấy sự phá sản của ngân hàng.

Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, DN chỉ có thể tạo ra mức lợi nhuận bình quân dưới 10%/năm. Do vậy nếu phải vay với lãi suất 11%/năm về thực chất chỉ là kéo dài quá trình phá sản của hệ thống DN hiện nay mà thôi. Như vậy, nếu tạm thời gạt bỏ sự kiểm soát để ngân hàng có thể cho DN vay với lãi suất thấp thì, áp đặt trần lãi suất cho vay không có tác dụng đáng kể đối với giải cứu hệ thống DN.

Vấn đề đặt ra là vậy sẽ áp đặt lãi suất cho vay ở mức bao nhiêu: 10%/năm hay 11%/năm theo đề xuất của các nhà kinh tế ?

Cơ sở để áp đặt trần lãi suất cho vay ít nhất cũng phải dựa trên ba nhân tố chủ yếu: một là, lãi suất với tư cách là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế; hai là, mức lợi nhuận bình quân mà các DN có thể tạo ra trong một năm; ba là, lãi suất chiết khấu…

Dựa vào yếu tố thứ nhất, trần lãi suất cho vay có thể là 0-7%/năm; Dựa vào yếu tố thứ hai, trần lãi suất cho vay sẽ là khoảng 7%/năm và dựa vào nhân tố thứ ba trần lãi suất là khoảng 10%-11%/năm. Theo quan điểm của chúng tôi, trong điều kiện hiện nay cần tạo ra áp lực cần thiết để hệ thống ngân hàng tự cấu trúc lại, do vậy có thể áp đặt trần lãi suất cho vay ở mức cao nhất là 7%/năm và không bắt buộc ngân hàng phải cho vay với lãi suất này.

Giải pháp cho DN

Để đảm bảo rằng, các DN có thể vay được vốn với lãi suất nêu trên, Chính phủ có thể cho phép các DN phát hành các chứng chỉ nợ với điều kiện DN phải cam kết mua lại các chứng chỉ này trong thời gian nhất định với lãi suất thấp nhất là 7%/năm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các DN nhanh chóng có nguồn vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất kinh doanh và khắc phục được tình trạng ngân hàng có vốn nhưng không cho DN vay cũng như phân bổ vốn hiệu quả.

Hai vấn đề còn lại là làm thế nào để loại bỏ nguy cơ phá sản của hệ thống ngân hàng và lạm phát cao khi hạ lãi suất ?

Trần lãi suất huy động ngắn hạn hiện đã hạ xuống mức 8%/năm

Chúng tôi cho rằng, lạm phát cao ở nước ta có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất trong số đó là do tình trạng “bong bóng” của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Trong điều kiện đóng băng của cả hai thị trường này, việc hạ lãi suất rất khó dẫn đến khả năng xảy ra lạm phát cao.

Kugmand, giáo sư kinh tế Hoa Kỳ người đạt giải thương Nobel kinh tế năm 2008 trong cuốn “Sự trở lại của kinh tế học suy thoái” đã chỉ ra rằng, ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, khi thị trường  bất động sản “bong bóng” nổ tung thì gần như ngay lập tức cầu thực tế tự nhiên biến mất, do vậy giá cả sẽ giảm mạnh. Mặt khác, trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả trên thị trường thế giới giảm mạnh, điều này cũng dẫn đến làm giảm giá hàng hóa ở thị trường trong nước. Tác động kép từ trong và ngoài nước đã không cho phép giá cả tăng cao, nghĩa là lạm phát cao rất khó xảy ra. Điều này hàm ý rằng, Chính phủ không nên coi kiềm chế lạm phát là mục tiêu quá mức quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, nếu không xác định đúng lạm phát theo mục tiêu ở mức có thể cao hơn một con số thì nền kinh tế rất khó tăng trưởng.

Cần chú ý rằng, áp đặt trần lãi suất cho vay không nên quan niệm là một giải pháp hành chính nhằm hạ lãi suất để buộc ngân hàng chia sẻ một phần khó khăn của DN mà là một giải pháp có tính đột phá đối với điều tiết vĩ mô nền kinh tế của Chính phủ.

TS Lê Duy Hiếu (Viện kinh tế VN)

Diễn đàn DN