Khó “tiêu hóa” gần 11 tỷ USD kiều hối

Khó “tiêu hóa” gần 11 tỷ USD kiều hối

Theo các chuyên gia, trong năm 2013 có 5 kênh chính có thể “tiêu hóa” kiều hối của năm 2012 nhưng 4 kênh vẫn trong tình trạng “tắc”.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vừa đưa ra dự báo, kiều hối năm nay có thể đạt từ 10 – 11 tỷ USD (tăng khoảng 15 – 20% so với năm 2011). Đối tượng đóng góp rất lớn vào nguồn kiều hối năm nay đến từ hơn 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và khu vực Trung Đông.

Theo các chuyên gia, có 5 kênh hấp thụ nguồn kiều hối là gửi tiết kiệm; đầu tư chứng khoán; mua vàng dự trữ; đầu tư bất động sản (BĐS) và trái phiếu Chính phủ.

Năm 2012, nhằm đảm bảo thanh khoản, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã huy động nhiều nhưng cho vay ít. Trong năm 2013, để phá vỡ “cục máu đông” tín dụng, tiến tới hạ lãi vay, các NHTM buộc phải hạ lãi suất huy động. Do đó, kênh gửi tiết kiệm sẽ không còn hấp dẫn như trước đây.

Đối với thị trường chứng khoán, theo nhận định, năm 2013 vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Thị trường này đã thực sự làm mất lòng tin ở nhà đầu tư trong năm vừa qua khiến cho khả năng phục hồi chậm lại. Dự báo, dòng vốn đầu tư vào chứng khoán tiếp tục giảm trong năm 2013.

Về khả năng dự trữ vàng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hạn chế kinh doanh vàng miếng đã khiến kênh đầu tư này kém hấp dẫn. Trong khi đó, đầu tư vàng là hình thức đầu tư tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, giá vàng thế giới lên xuống bất thường khiến người giữ vàng không cảm thấy an tâm.

Trao đổi với PV, TS.Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing cho rằng, còn hai kênh lạc quan hơn để “hấp thụ” kiều hối là BĐS và mua trái phiếu Chính phủ. Đối với thị trường BĐS, nhiều người kỳ vọng rằng, kiều hối sẽ có tác động “phá băng” thị trường, góp phần giải quyết nợ xấu BĐS.

Theo TS.Nguyễn Văn Hiến, so với kênh BĐS, đầu tư trái phiếu Chính phủ rõ ràng là an toàn hơn. Tính đến ngày 17/12, dòng vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ đạt 156.544 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2011. Theo dự báo của các chuyên gia, trái phiếu Chính phủ vẫn tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn trong năm 2013.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các NHTM, nhằm bù đắp thâm hụt từ lãi suất huy động tương đối cao khiến dòng vốn chạy lòng vòng, khó đưa vào sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, tuy hấp dẫn nhưng trái phiếu Chính phủ chưa thật sự là kênh đầu tư “mở” cho nhiều đối tượng tham gia.

L.Nguyễn

Tổ Quốc