Không nên quá lạm dụng chính sách tiền tệ

Không nên quá lạm dụng chính sách tiền tệ

Nhận định về những thay đổi trên thị trường tài chính - tiền tệ năm 2011, 2012, TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuộc Ngân hàng Hàng hải cho rằng, nếu quá lạm dụng chính sách tiền tệ, chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt.

Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2012, lạm phát giảm rất nhanh là nhờ công lớn của chính sách tiền tệ. Theo ông, đây có phải là thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)?

Sau khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP (tháng 2/2011) của Chính phủ, lạm phát đã bị “ép” từ đỉnh (tháng 8/2011) xuống rất nhanh trong năm 2012. Việc giảm lạm phát có đóng góp rất lớn của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc đẩy lãi suất lên cao, rút tiền về quyết liệt cũng là nguyên nhân khiến tổng cầu sụt giảm rất mạnh.

Nhìn vào cung tiền trong 2 năm qua, có thể thấy, từ năm 2011 đến giữa năm 2012, NHNN điều hành tiền tệ hết sức chặt chẽ, với nhiều công cụ linh hoạt. Sau khi tiền bơm ra, NHNN lại nhanh chóng hút về. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP (tháng 5/2012), đặc biệt là từ quý IV/2012 đến nay, cung tiền lại được “tháo khoán”, NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy vốn ra nền kinh tế.

Tóm lại, trong 2 năm qua, điều hành lãi suất theo kiểu “thốc ga” và “thả ga”. Năm 2011, việc tăng lãi suất quá sốc (tăng 500 - 700 điểm cơ bản) mang lại hiệu lực tức thì, góp phần kiềm chế lạm phát, song cũng khiến tổng cầu sụt giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục cắt giảm lãi suất kiểu “thả ga”, “phanh dồn”, song việc này không thể đẩy tín dụng tăng trưởng nhanh, bởi tổng cầu sụt giảm.

Như vậy, dù lãi suất có giảm nữa thì cũng khó kích thích tăng trưởng tín dụng thời gian tới, thưa ông?

Đúng vậy, bản chất tăng trưởng tín dụng thấp không phải ở lãi suất, mà là do tổng cầu thấp. Hiện nay, do không đẩy được vốn ra nền kinh tế, các ngân hàng thương mại đang dồn tiền mua trái phiếu chính phủ. Điều này cho thấy, vai trò trung gian đưa vốn ra nền kinh tế của các ngân hàng thương mại đã thất bại. Tiền ngân hàng chảy vào trái phiếu chính phủ cũng mang lại nhiều lo ngại về hệ quả chèn lấn của đầu tư công với khu vực tư nhân. Hơn nữa, trong bối cảnh hiệu quả đầu tư công thấp như hiện nay mà tiếp tục tăng vốn đầu tư công, thì sẽ gây áp lực lớn về lạm phát trong tương lai.

Để phòng ngừa nguy cơ xấu trên thị trường tài chính - tiền tệ, theo ông, chính sách tiền tệ cần sử dụng những công cụ gì?

Chính sách tiền tệ không thể thực thi hiệu quả trong tình hình sức khỏe của hệ thống ngân hàng hiện nay. Có thể thấy, năm 2012, nhiều công cụ chính sách tiền tệ rất kém hiệu lực. Chẳng hạn, công cụ dự trữ bắt buộc gần như không áp dụng được. Áp dụng công cụ này giống như “dùng búa tạ đập ruồi”, bởi hệ thống ngân hàng ở Việt Nam bị phân cực rất mạnh. Trong khi đó, công cụ nghiệp vụ thị trường mở cũng tê liệt. Suốt một thời gian dài, NHNN luôn trong cảnh một mình một chợ, vì ngân hàng đủ điều kiện tiếp cận vốn qua kênh này thì đang thừa tiền, trong khi ngân hàng thiếu tiền thì không có điều kiện để vay vốn. Công cụ tái cấp vốn cũng không phát huy tác dụng, khi dư nợ tái cấp vốn sụt giảm mạnh do điều kiện tiếp cận khắt khe hơn và đầu ra của tín dụng bị tắc. Thị trường liên ngân hàng hiện cũng gần như đóng băng, với quy mô giao dịch giảm mạnh.

Theo tôi, không nên bắt chính sách tiền tệ phải làm việc quá sức. Quá lạm dụng chính sách tiền tệ sẽ phải trả giá đắt. Việc này giống như hình ảnh chiếc xe công nông chỉ phù hợp chạy đường làng, nay bỗng được hoán cải, tăng tốc để chạy trên đường cao tốc. Sau một thời gian, tất cả bộ phận của xe rung lắc và xe lao xuống hố. Với tình huống như vậy, giải pháp duy nhất hiện nay là phải cẩu xe ra khỏi hố, sau đó đại tu xe, chứ không thể tiếp tục nhấn ga. Và chiếc cẩu đó chính là đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế.

Hà Tâm

đầu tư