Vietinbank và Tokyo Mitsubishi UFJ: Thương vụ M&A kỷ lục trong ngành tài chính Việt Nam

Vietinbank và Tokyo Mitsubishi UFJ: Thương vụ M&A kỷ lục trong ngành tài chính Việt Nam

Thương vụ ký kết sáng nay giữa Tokyo Mitsubishi UFJ và Vietinbank có thể trở thành giao dịch M&A kỷ lục trong ngành tài chính Việt Nam khi giá trị đầu tư lên tới 743 triệu USD.

* Cổ phiếu rẻ, Nhật âm thầm thâm nhập ngân hàng Việt

* KLS, KBC và CTG bất ngờ bị loại khỏi Market Vectors Vietnam Index

Tại Hà Nội sáng nay (27/12) diễn ra lễ ký kết Hợp đồng đầu tư chiến lược và Hợp đồng hợp tác toàn diện giữa Ngân hàng Công Thương Việt Nam (HOSE: CTG) và Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ.

Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ của Nhật Bản là đối tác chiến lược thứ hai của Vietinbank

Theo đó, Vietinbank sẽ bán 20% cổ phần chiến lược cho Ngân hàng BTMU, trị giá 15.465 tỷ đồng - tương đương 743 triệu USD. Giao dịch này là giao dịch mua bán sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay trong ngành ngân hàng.

Vietinbank cũng cho biết đã tiến hành xin giấy phép giao dịch bán 20% cổ phần cho Tokyo Mitsubishi UFJ thông qua phát hành cổ phiếu mới, tăng vốn điều lệ lên 32.661 tỷ đồng, tăng vốn tự có lên khoảng 45.000 tỷ đồng. Như vậy, sau giao dịch này, Vietinbank sẽ là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất và cơ cấu cổ đông mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng khẳng định đây sẽ là giao dịch M&A lớn nhất từ trước đến nay trong ngành tài chính Việt Nam. Hình ảnh của Vietinbank sẽ được hỗ trợ và nâng cao với kinh nghiệm kinh doanh toàn cầu của Tokyo Mitsubishi UFJ.

Về phần mình, Chủ tịch Tokyo Mitsubishi UFJ - ông Nobuyuki Hirano, cho hay đây là một phần trong chiến lược mở rộng hơn nữa hoạt động của Tokyo Mitsubishi UFJ tại châu Á. "Thông qua hợp tác chiến lược giữa Vietinbank, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp các dịch vụ tài chính tại Việt Nam và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu hỗ trợ về tài chính đa dạng của khách hàng", ông Hirano phát biểu.

Trước đó xuất hiện thông tin nhà đầu tư của Nhật Bản muốn mua 20% cổ phần tại Vietinbank và thậm chí, đối tác này ngỏ ý muốn cử người ngồi vào Hội đồng quản trị của Vietinbank. Giá trị của thương vụ này có thể là 60 tỷ yen (tương đương 726 triệu USD hay 15.120 tỷ đồng. Như vậy, ước tính Tokyo Mitsubishi UFJ phải bỏ ra hơn 28.000 đồng để mua một cổ phần của Vietinbank.

Nếu như Mitsubishi UFJ hiện là nhà cho vay lớn nhất của Nhật Bản, trong đó Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ là một trong những bộ phận lớn nhất thì VietinBank được xem là một trong 4 "ông lớn" tại Việt Nam. Năm 2012, VietinBank dự kiến đạt 7.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - giảm 17% so với kế hoạch đề ra đầu năm.

Đầu năm 2011, Vietinbank cũng từng bán 10% cổ phần cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Ngân hàng Thế giới với giá 182 triệu USD tiền mặt và 125 triệu USD vốn vay trong vòng 10 năm. Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Vietinbank, vốn sở hữu Nhà nước chiếm 80,3%, IFC nắm 10%.

Trước Mitsubishi UFJ, Vietinbank gần như đã đạt thỏa thuận bán cổ phần cho Ngân hàng Nova Scotia (Canada). Tuy nhiên, gần vào giờ G, yêu cầu được nhận toàn bộ cổ tức, thặng dư vốn năm 2011 của Nova Scotia không được Vietinbank chấp nhận. Do đó, đến nay, Vietinbank vẫn chưa chốt được tên cổ đông chiến lược thứ hai.

Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (26/12), cổ phiếu CTG của Vietinbank đóng cửa ở giá 20.300 đồng. Tổng giá trị khớp lệnh và thỏa thuận của cổ phiếu này đạt gần 65,8 tỷ đồng.

Ngoài Mitsubishi UFJ, nhiều đối tác khác của Nhật đã để tâm đến thị trường tài chính của Việt Nam. Trước đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng bán thành công 15% cổ phần cho một ngân hàng khác của Nhật Bản là Mizuho. Mizuho không chỉ là đối tác chiến lược đầu tiên mà còn là đối tác chiến lược duy nhất của Vietcombank.

Năm 2007 Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group đã mua 15% cổ phần của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) với giá 225 triệu USD).

Thanh Thanh Lan

vnexpress