Xoay xở luân chuyển vốn

Xoay xở luân chuyển vốn

Để luân chuyển nguồn tiền, thời gian qua, một số NHTM chọn giải pháp đầu tư trái phiếu như là công cụ phòng ngừa rủi ro, vừa đảm bảo mức lợi nhuận chắc chắn, đồng thời có thể tạo thanh khoản lúc cần thiết.

Tuần qua, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và tương đối dồi dào, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp. Trước tình hình đó, những ngày qua nhiều NHTM lớn buộc phải điều chỉnh giảm 1% - 2%/năm lãi suất huy động đối với kỳ hạn dài so với cuối tháng 11.

Cụ thể, mức lãi suất huy động của các NHTM phổ biến đối với kỳ hạn trên một năm đã giảm về mức từ 10% - 11,5%/năm. Các mức lãi suất huy động ghi nhận ở những ngân hàng nhỏ cũng đã giảm còn khoảng 12%/năm.

Vốn khó ra, nhiều ngân hàng giảm 1-2%/năm lãi suất đầu vào kỳ hạn dài

Giải thích về động thái này, tổng giám đốc một NHTM tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện các ngân hàng phải tìm thêm giải pháp để đẩy vốn ra cũng như cân đối lại nguồn vốn vì nguồn vốn huy động tại các NH đang khá dồi dào.

Lấy con số đến ngày 20/11/2012, tăng trưởng huy động đạt 15,98% so với đầu năm, tương đương số tiền huy động tăng thêm 444.085 tỷ đồng. Sau khi trừ dự trữ bắt buộc khoảng 13.323 tỷ đồng, cho vay khoảng 118.027 tỷ đồng (do tăng trưởng tín dụng đạt 4,15%), tiền huy động tăng thêm còn 326.058 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, số lượng tiền huy động của hệ thống nội bộ ngân hàng này chưa được thống kê chính thức, nhưng chắc chắn tăng trưởng huy động luôn cao hơn khá nhiều so với cho vay, khiến không ít ngân hàng đau đầu.

Để luân chuyển nguồn tiền này, thời gian qua, một số NHTM chọn giải pháp đầu tư trái phiếu như là công cụ phòng ngừa rủi ro, vừa đảm bảo mức lợi nhuận chắc chắn, đồng thời có thể tạo thanh khoản lúc cần thiết.

Bên cạnh việc dồn vốn mua trái phiếu Chính phủ, một số NHTM không quên bỏ qua kênh thị trường 2 - nơi một số TCTD vẫn cần vốn bù đắp thiếu hụt thanh khoản tạm thời. Thể hiện rõ nhất trong tuần giữa tháng 12/2012, hoạt động vay mượn trên thị trường 2 bắt đầu có dấu hiệu tăng với doanh số giao dịch bằng VND tăng xấp xỉ 49%.

Không chỉ dừng ở đó, một số ngân hàng nhỏ, vốn ít chọn cách bán chéo sản phẩm, tạo ra một gói dịch vụ tổng thể thuận tiện cho khách hàng. Chọn giải pháp này, một mặt ngân hàng có thể liên kết với các công ty con để giải phóng hàng tồn kho, mặt khác, cũng có thể dùng chính những sản phẩm “siết nợ” để bán ra thị trường thu hồi vốn về.

Thừa nhận tình trạng này, Phó tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài cho hay, chuyện bán chéo sản phẩm đang diễn ra ở rất nhiều ngân hàng qua nhiều hình thức, đặc biệt là bán các sản phẩm bất động sản mà ngân hàng đã đầu tư trước đó. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn tranh thủ mùa kiều hối cuối năm, dồn vốn mua ngoại tệ để đáp ứng vốn với lãi suất ngoại tệ thấp hơn tiền đồng cho các DN vay mới hoặc DN đang bị mắc kẹt với khoản nợ cũ để cơ cấu lại nợ.

Tuy chọn nhiều phương án, nhưng dễ thấy số lượng vay mới vẫn rất khiêm tốn. Rõ ràng, tình trạng “bí” đầu ra trong các ngân hàng vẫn còn nhiều. Việc không thể mở rộng được tín dụng tác động vào mọi mặt hoạt động của ngân hàng.

Nói như một chuyên gia tài chính ngân hàng, dù đã có tín hiệu lãi suất cho vay có thể được cân nhắc giảm thêm, nhưng nếu thực trạng một số ngân hàng còn cho vay không đúng mục đích sẽ khiến thanh khoản của ngân hàng khó khăn. Theo đó cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động cơ cấu nợ trong các ngân hàng, không được lợi dụng chính sách cơ cấu lại nợ để che giấu nợ xấu, làm đẹp chỉ tiêu.

Thiên Kim

thời báo ngân hàng