Xử lý vi phạm lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng: Bị làm khó… bởi phán quyết của Tòa án

Xử lý vi phạm lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng: Bị làm khó… bởi phán quyết của Tòa án

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều văn bản quy định về quản lý ngoại hối đặc biệt là khi Chính phủ ban hành Nghị định số 95/NĐ-CP Chính phủ, NHNN các cơ quan thông tin đại chúng đã tuyên truyền rộng rãi. Vinasun là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải suốt thời gian dài nhưng vẫn cố tình không chấp hành, cố tình vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý ngoại hối.

Ngày 20/10/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 202/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Nghị định này có hiệu lực ngay từ ngày ký. Đây là căn cứ để các cơ quan thực thi pháp luật siết chặt lại kỷ luật thị trường ngoại tệ, đảm bảo việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN.

Thế nhưng, hiệu lực của Nghị định này đã không được Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh chấp nhận khi xét xử các vụ án liên quan đến lĩnh vực này mặc dù theo quy định của pháp luật, Tòa án không phải là cơ quan được quyền “bác” hiệu lực Nghị định này.

Bài 1: Thừa nhận vi phạm... nhưng vẫn "bác"

Thời gian trước đây rất nhiều DN yết giá bằng ngoại tệ

Thời điểm năm 2011, việc quản lý thị trường ngoại hối còn nhiều bất cập, đặc biệt là chế tài xử phạt còn nhẹ. Vì vậy hoạt động mua bán ngoại tệ và niêm yết giá bằng ngoại tệ trên thị trường, nhất là thị trường không chính thức diễn ra khá công khai gây nhiều khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, cũng như việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Nghị định 95/2011/NĐ-CP ra đời ngày 20/10/2011 với mức tiền phạt cao hơn rất nhiều lần đã có tác dụng răn đe các đối tượng hoạt động ở “chợ đen”, góp phần quan trọng ổn định thị trường ngoại tệ trong nước.

Mặc dù trước khi ban hành, Nghị định này đã được tuyên truyền rộng rãi, song do hám lợi nhiều cá nhân, tổ chức vẫn cố tình vi phạm và những hành vi này nhanh chóng được cơ quan có thẩm quyền phát hiện xử lý. Điển hình như một số vụ việc xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày 1/11/2011, Công an quận 3 đã phát hiện tại hộ kinh doanh cá thể Kim Phát (địa chỉ 394 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) do bà Phạm Thị Ngà chủ hộ kinh doanh, đang bán 300 USD cho một khách hàng.

Công an quận 3 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Qua quá trình xác minh, ghi lời khai, thu thập chứng cứ, Công an quận 3 xác định hộ kinh doanh cá thể Kim Phát hoạt động theo giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh số 41C8008296 do UBND quận 3 cấp ngày 30/10/2009, ngành nghề kinh doanh mua bán vàng, bạc trang sức mỹ nghệ, dịch vụ cầm đồ. Không có giấy chứng nhận đại lý thu đổi ngoại tệ do NHNN cấp phép nên ngày 1/12/2011, Công an quận 3 đã tiến hành lập biên bản vi phạm đối với bà Ngà về hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ.

Căn cứ vào biên bản vi phạm, ngày 7/1/2012, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 79/QĐ-XPHC xử phạt bà Ngà về hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép với số tiền phạt là 400 triệu đồng. Ngày 3/2/2012, bà Phạm Thị Ngà đã làm đơn khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 79/QĐ-XPHC của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Vụ án thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết theo trình tự sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại tòa, Hội đồng xét xử nhận định, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 79/QĐ-XPHC ngày 7/1/2012 là đúng về trình tự, thủ tục và thẩm quyền ban hành.

Tuy nhiên, sau khi xem xét nội dung của quyết định này, tại Bản án số 1408/2012/HC-ST, tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Ngà và hủy Quyết định số 79/QĐ-XPHC ngày 7/1/2012 của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Một trong những lý do khiến Tòa án “bác” quyết định xử phạt này bởi Nghị định 95/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Một sự việc khác liên quan đến vi phạm niêm yết giá bằng ngoại tệ cũng được phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh của Công ty Ánh Dương - kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi (thương hiệu Vinasun Taxi). Ngày 13/4/2010, Công ty Ánh Dương ký hợp đồng với Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam về cung cấp dịch vụ hỗ trợ đón khách tại nhà Ga quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất. Theo nội dung hợp đồng, Công ty Ánh Dương được đặt một quầy để bán vé cho khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ Taxi Vinasun tại sân bay.

Từ ngày 26/11/2011 Công ty này đã đặt bảng giá Vinasun 7 USD/CAR. Đến ngày 29/11/2011, Cán bộ Phòng Quản lý ngoại hối và thị trường tiền tệ của NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra và lập biên bản làm việc tại quầy vé Taxi Vinasun với nội dung: Công ty Ánh Dương niêm yết giá dịch vụ Taxi bằng ngoại tệ tại quầy G2.36 Ga đến quốc tế Tân Sơn Nhất.

Nhận thấy Chính phủ đã có nhiều văn bản quy định về quản lý ngoại hối đặc biệt là khi Chính phủ ban hành Nghị định số 95/NĐ-CP Chính phủ, NHNN các cơ quan thông tin đại chúng đã tuyên truyền rộng rãi. Vinasun là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải suốt thời gian dài nhưng vẫn cố tình không chấp hành, cố tình vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý ngoại hối. Ngày 6/1/2012, Chánh thanh tra, giám sát NHNN Việt Nam ban hành Quyết định số 04/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Ánh Dương với mức phạt là 500.000.000 đồng.

Sau khi nhận định về thủ tục tố tụng và thẩm quyền giải quyết, Tòa cho rằng, hành vi niêm yết giá ngoại tệ của Công ty Vinasun đã vi phạm Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PLNH-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó có quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, Tòa án cho rằng, trình tự ban hành Quyết định 04 còn một số vi phạm, bên cạnh đó, một trong những nội dung của quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi niêm yết hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ cũng không đúng theo quy định của pháp luật như đã căn cứ vào Nghị định số 95/2011/NĐ-CP mà tòa cho là chưa có hiệu lực.

Chính vì vậy, tại Bản án số 1412/2012/HC-ST, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện và hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 04/QĐ-XPHC của Chánh thanh tra giám sát NHNN Việt Nam.

Bài 2: Vì sao tòa “bác” quyết định xử phạt?

thời báo ngân hàng