Lập công ty giải quyết nợ xấu

Lập công ty giải quyết nợ xấu

Chính phủ sẽ trực tiếp quản lý công ty này nhằm cơ cấu lại toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Trong buổi họp báo công bố dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013 do Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 21-1 tại Hà Nội, TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết trong tháng này, Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) sẽ ra đời với mục đích giải quyết vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng. VAMC sẽ do Chính phủ trực tiếp quản lý thay vì Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Thị trường mua bán nợ chưa hiệu quả

Vẫn theo TS Võ Trí Thành, vấn đề nợ xấu được đặt ra từ đầu năm 2012 nhưng đã hơn một năm mà việc xử lý còn chậm trễ, thiếu kiên quyết và triệt để. Trong đó vấn đề giải trình hướng đi của dòng tiền, lợi ích nhóm và những trục trặc trong hệ thống tài chính ngân hàng chưa thỏa đáng. Nguyên tắc xử lý nợ xấu là đảm bảo thị trường mua bán nợ xấu có thanh khoản. VAMC ra đời trên cơ sở xử lý nợ xấu nhằm cơ cấu lại ngân hàng, tối thiểu hóa chi phí và giảm sự can thiệp của Nhà nước. Với cách xử lý này có thể phải chấp nhận sự “biến mất” của một số ngân hàng (như việc Habubank sáp nhập vào SHB) nhưng lại đảm bảo sự ổn định cho toàn hệ thống. Định hướng này khác với quan điểm trước đây là không để ngân hàng nào phá sản.

Có thể phải chấp nhận sự “biến mất” của một số ngân hàng như việc Habubank sáp nhập vào SHB để đảm bảo sự ổn định cho toàn hệ thống.

“Vai trò của VAMC sẽ gắn với Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng - DATC thuộc Bộ Tài chính. Điều quan trọng là Việt Nam cần có đủ giải pháp và tiền để xử lý chứ không nhất thiết phải xóa hết nợ xấu ngay lập tức. Giả sử nợ 10 đồng thì đưa về được 3 đồng là quá tốt rồi chứ không phải đưa về ngay mức 0 đồng. Theo kinh nghiệm của thế giới, có hai cách để tạo ra tiền cho VAMC là ngân hàng trung ương bơm tiền hoặc phát hành trái phiếu” - ông Thành cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, cho rằng các khoản nợ xấu của Việt Nam có biên độ lớn nhưng hiện chưa có thị trường hiệu quả để tác động đến ngành ngân hàng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng thị trường mua bán tài sản nợ xấu thanh khoản tốt, tránh tình trạng ngân hàng chỉ bán chứ không mua và quan trọng là kịp thời minh bạch thông tin hệ thống ngân hàng.

Lạm phát sẽ từ 8% trở lên

Nhận định về tình hình kinh tế 2013, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn trong năm nay. Cơ quan này dự báo tỉ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2013 cơ bản vẫn ở mức cao, có thể khoảng 8% trở lên.

“Thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát được mục tiêu lạm phát thế nhưng lại kiểm soát bằng biện pháp hành chính. Cách này chỉ có tác dụng về ngắn hạn và do đó sẽ phải chịu hậu quả trong dài hạn. Mặt khác, việc cung tiền tăng nhanh, khả năng thanh toán tăng lên 12%, lãi suất giảm… trong hai tháng trở lại đây là điều kiện kinh tế vĩ mô tốt để duy trì ổn định kinh tế sáu tháng đầu năm 2013. Tuy vậy, nếu Việt Nam nới lỏng các chính sách tài khóa tiền tệ quá sớm sẽ khiến lạm phát quay trở lại mức cao” - đại diện Ngân hàng Thế giới cảnh báo.

Vì vậy, TS Võ Trí Thành cho rằng thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là làm sao ổn định kinh tế vĩ mô trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng, bên cạnh đó là việc phối hợp các chính sách, lấy lại lòng tin của thị trường. Thời gian tới, nếu lộ trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra mạnh mẽ trong sáu tháng đầu năm và một số doanh nghiệp nhà nước lớn thực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa (như Vietnam Airlines) hiệu quả… lòng tin sẽ quay trở lại!

Đặc biệt, ông Thành nhấn mạnh nợ xấu vẫn là vấn đề đáng quan ngại nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Nếu muốn thành lập công ty mua bán nợ, phải làm rõ hơn con số nợ xấu, định giá các tài sản nợ, quy chế mua bán nợ...

TRÀ PHƯƠNG

pháp luật tphcm