Quan ngại thị trường tôn mạ bị độc chiếm

Quan ngại thị trường tôn mạ bị độc chiếm

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) (HOSE: HSG) đã bày tỏ quan ngại về việc Tập đoàn Bluescope Steel tại Đông Nam Á có ý định thâu tóm và độc chiếm thị trường tôn mạ khu vực một cách có hệ thống tới các cơ quan hữu trách.

Theo tìm hiểu thông tin và tình hình xuất nhập khẩu của thị trường các mặt hàng tôn mạ trong và ngoài nước của Hoa Sen Group, có hiện tượng cho thấy, Tập đoàn Bluescope Steel tại Đông Nam Á đang trực tiếp tác động đến chính phủ các nước tại Đông Nam Á để khởi xướng thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về chống phá giá, chống trợ cấp, hoặc tự vệ thương mại một cách hệ thống, nhằm thâu tóm và độc chiếm thị trường tôn mạ Đông Nam Á.

Dẫn chứng cho nhận định trên, Hoa Sen Group cho hay, vào tháng 8/2012, Liên đoàn Công nghiệp Sắt thép Malaysia (MISIF) đã gửi thư tới Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhấn mạnh việc một lượng lớn sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu của Việt Nam được xuất khẩu sang Malaysia và cảnh báo về nguy cơ bán phá giá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tại các nhà sản xuất nội địa của Malaysia. MISIF cũng yêu cầu VSA theo dõi và thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết, nếu không sẽ áp dụng các biện pháp tự vệ để chống lại hàng hóa xuất khẩu của các công ty Việt Nam. Vào tháng 10/2012, một phái đoàn của MISIF với đại diện của các doanh nghiệp, trong đó có Bluescope Steel đã đến Việt Nam để làm việc với VSA xung quanh vấn đề này.

Tại thị trường Thái Lan, vào tháng 10/2012, Hiệp hội Tôn mạ kim loại và Sơn phủ màu Thái Lan cũng đã gửi thư cho VSA bày tỏ quan ngại có sự bán phá giá của tôn lạnh, tôn lạnh màu và tôn kẽm màu từ Việt Nam với khuyến cáo sẽ đệ đơn yêu cầu Chính phủ Thái Lan thực hiện điều tra chống bán phá giá với các nhà sản xuất Việt Nam, tương tự như đã làm với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Theo Hoa Sen Group, Bluescope Steel Thái Lan đóng vai trò chủ chốt trong việc khởi xướng vụ khuyến cáo này qua việc người ký thư đề nghị là một cán bộ cao cấp của Bluescope Steel Thái Lan.

Câu chuyện cũng tương tự ở Indonesia khi ngày 12/12/2012, Bluescope Steel Indonesia và Sunrise Steel đã gửi đơn lên Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia (KPPI) tuyên bố đã bị tổn hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa, gây thiệt hại nghiêm trọng do mặt hàng cán phẳng nhập khẩu vào Indonesia tăng đột biến. Các doanh nghiệp Indonesia cũng yêu cầu chính phủ nước mình áp đặt biện pháp tự vệ thương mại đối với việc nhập khẩu các sản phẩm có mã HS 7210.61.11.00. Ngay sau đó, vào ngày 19/12/2012, KPPI đã khởi xướng điều tra tự vệ thương mại đối với các mặt hàng trên từ các nước xuất khẩu vào thị trường Indonesia, trong đó có Việt Nam.

Còn tại Việt Nam, Hoa Sen Group cho hay, vào ngày 17/12/2012, Bluescope Steel Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương, cũng như VSA xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu cho các mặt hàng thép mạ và sơn phủ màu thuộc nhóm HS 7210.70 lên mức 15% và áp dụng từ năm 2013.

Tìm hiểu của Hoa Sen Group cũng cho thấy, Bluescope Steel Australia đã và đang thực hiện nhiều vụ kiện chống phá giá với các hàng hóa tương tự của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… “Điều này càng chứng tỏ sự quyết tâm của Bluescope Steel chống lại các nhà xuất khẩu nước ngoài thực hiện giao dịch vào những nơi mà họ có hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Trần Ngọc Chu, Tổng giám đốc Hoa Sen Group nhận xét.

Lo ngại nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tôn tại các nước Đông Nam Á nếu chính phủ các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại do Bluescope Steel khởi xướng hoặc yêu cầu, ông Trần Ngọc Chu kiến nghị, cần có sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu trách với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Hoàng Nam

Báo đầu tư