Thay đổi biên độ giao dịch và tác động đến TTCK

Thay đổi biên độ giao dịch và tác động đến TTCK

Biên độ giao dịch của TTCK Việt Nam đã có đến 10 lần thay đổi trong 12 năm qua, trong đó có đến 4 lần diễn ra trong năm 2008. Liệu các lần thay đổi biên độ này có thực sự tác động đến thị trường?

10 lần thay đổi biên độ giao dịch trong 12 năm

Theo thông tin từ ”Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2013” sáng nay (09/01), biên độ giao dịch trên 2 sàn HOSE và HNX sẽ được nới rộng kể từ ngày 15/01/2013. Cụ thể, biên độ giao dịch tăng từ mức +/-5% lên +/-7% đối với HOSE và từ +/-7% lên +/-10% đối với HNX.

Bảng thống kê bên dưới cho thấy đây sẽ là đợt thay đổi biên độ giao dịch thứ 10 của TTCK Việt Nam trong vòng 12 năm qua. Đợt nới rộng biên độ này khá tương đồng với lần gần đây nhất (18/08/2008) khi tăng thêm 2% đối với HOSE và tăng 3% đối với HNX.

Thông thường, việc tăng biên độ được thực hiện sau khi đã giảm mạnh ở thời điểm trước đó. Các bước tăng nhìn chung là tương đối hẹp, ngoại trừ thời điểm 13/06/2001 tăng đến 5%.

Trong khi đó, động thái giảm biên độ diễn ra khi các chỉ số thị trường đã sụt giảm quá sâu hơn 50%, và biên độ giảm thường rất lớn. Mục đích là nhằm thu hẹp đà giảm của thị trường, giúp trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Lần thay đổi biên độ giao dịch đầu tiên của TTCK là so với dự tính đưa ra trước đó (+/- 5%).

Cho đến nay, biên độ giao dịch cao nhất đối với HOSE là +/- 7% và HNX là +/- 10%. Đợt điều chỉnh năm 2013 sẽ kéo biên độ giao dịch trên cả hai sàn về mức bằng giai đoạn đầu thành lập sàn giao dịch.

Các lần thay đổi biên độ giao dịch trên TTCK Việt Nam

Thay đổi biên độ giao dịch có tác động đến TTCK?

Giai đoạn 2000 – 2002: Biên độ phiên giao dịch đầu tiên (28/07/2000) trên HOSE là +/- 2%, giảm so với dự tính ban đầu +/- 5%. Lý do được đưa ra là nhằm giúp giới đầu tư hưng phấn hơn khi cổ phiếu dễ tăng trần và kéo dài đà tăng của thị trường. Chỉ số VN-Index đã liên tục tăng mạnh sau khi TTCK Việt Nam chính thức ra đời.

Ngày 13/06/2001, sau gần một năm tăng mạnh từ 100 điểm lên gần 500 điểm, UBCKNN đã quyết định mở rộng mạnh mẽ biên độ từ +/- 2% lên +/- 7%. Tuy vậy, sau vài phiên tiếp tục tăng, VN-Index đã đảo chiều đi xuống hết biên độ liên tục cho đến tháng 10. Tổng cộng chỉ số này đã mất đến 64% trong chưa đầy 4 tháng

Ngày 15/10/2001, trước đà sụt giảm mạnh mẽ của thị trường, biên độ giao dịch đã được kéo giảm mạnh trở lại mức +/- 2% (tức giảm từ +/- 7% xuống còn +/- 2%). Chỉ số VN-Index sau đó tăng được trong 2-3 tuần liên tiếp.

Tiếp theo vào các ngày 01/08/2002 và 23/12/2002, biên độ giao dịch lần lượt được mở rộng lên +/- 3% và +/- 5%, nhưng hành động gần như đã “mất thiêng” và không có ảnh hưởng đáng kể nào lên thị trường.

Năm 2008: Đây là năm TTCK Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đã có tổng cộng đến 4 lần thay đổi biên độ giao dịch trong năm này, trong đó có một lần giảm mạnh từ +/-5% xuống +/-1%, và 3 lần tăng để đưa biên độ giao dịch trở lại mức ban đầu.

Ngày 27/3/2008, biên độ giao dịch được thu hẹp mạnh từ +/-5% xuống +/-1% (đối với HOSE) sau khi VN-Index giảm hơn 57% từ đỉnh 1,170.67 điểm về 496.64 điểm trong giai đoạn 12/03/2007 – 25/03/2008. Quyết định này giúp giới đầu tư bình tĩnh trở lại đáng kể và thị trường bật tăng suốt hơn 1 tuần sau đó.

Ngày 07/04/2008, biên độ được nới rộng thêm 1% lên +/-2% nhưng mức độ tác động tích cực không còn và TTCK tiếp tục đà sụt giảm khủng khiếp do tác động của khủng hoảng toàn cầu.

Ngày 16/06/2008, biên độ giao dịch tiếp tục được nới rộng thêm 1% lên +/-3% và đã tạo ra hiệu ứng tích cực hơn, khi thị trường thiết lập đáy ngắn hạn trong khoảng thời gian này.

Tương tự, động thái mở rộng biên độ +/-2% từ ngày 18/08 đã tạo sự hưng phấn trong hai tuần trước và sau thời điểm này. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, các chỉ số đã bắt đầu tạo đỉnh ngắn hạn và tiếp tục rơi vào xu hướng giảm điểm.

Nhìn chung, các lần điều chỉnh biên độ này chỉ tác động lên chỉ số thị trường trong thời gian ngắn, từ 1 đến 2 tuần trước và sau thời điểm điều chỉnh.

Tóm lại, cơ quan quản lý thường sử dụng biện pháp giảm biên độ khi thị trường sụt giảm mạnh, và luôn “tận dụng” cơ hội khi thị trường lạc quan để nới rộng biên độ. Sau đợt nới rộng đầu năm 2013, biên độ giao dịch trên hai sàn trở về mức bằng giai đoạn đầu thành lập sàn giao dịch.

Các lần giảm biên độ tỏ ra hiệu quả, giúp giới đầu tư bình tĩnh và thị trường có thể hồi phục nhẹ trở lại. Hiệu ứng của việc nới rộng biên độ là không rõ ràng, và nếu có tác động tích cực thì chỉ trong ngắn hạn, từ 1 đến 2 tuần trước và sau thời điểm điều chỉnh. Sau đó, thị trường biến động theo xu hướng của nó.

Tính đến thời điểm công bố nới rộng biên độ trên hai sàn vào ngày 09/01/2013, thị trường đã có hơn 20 phiên tăng điểm ngoạn mục. Mức độ rủi ro lớn khi biên độ dao động quá mạnh (+/-7% đối với HOSE, +/-10% đối với HNX), cộng với thị trường đã tăng điểm quá nóng có thể trở thành lực cản đối với tâm lý nhà đầu tư. Tuy vậy, thị trường vẫn đang được hỗ trợ rất nhiều từ các động thái chính sách vĩ mô.

Hoàng Vũ (Vietstock)

FFN