Tín dụng 2013: Vẫn cần nhiều lực đẩy

Tín dụng 2013: Vẫn cần nhiều lực đẩy

Theo ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc VIB, trước mắt việc nhanh chóng thành lập Công ty quản lý khai thác tài sản có thể giải quyết bài toán nợ xấu cho ngân hàng. Như vậy, ngân hàng có động lực hơn trong hỗ trợ DN.

Đó là quan điểm của Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung khi trao đổi với Thời báo Ngân hàng.

Ông đánh giá thế nào về khả năng tăng trưởng tín dụng (TTTD) của toàn hệ thống trong năm 2013?

Ông Lê Quang Trung

Nhìn lại năm 2012, tổng huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng khoảng 20%, trong khi đó TTTD chỉ đạt 6,61% so với năm 2011. Điều này đồng nghĩa với việc tiền nhàn rỗi trong ngân hàng khá nhiều. Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã giải quyết bài toán sử dụng vốn bằng cách tạm thời đưa vốn qua kênh trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch này chỉ đảm bảo hòa, thậm chí có ngân hàng chịu lỗ chứ chưa thể nói đến lợi nhuận. Năm 2013 dự báo nền kinh tế vẫn tiếp tục đối diện với nhiều thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài, do đó, năm 2013 sẽ là một năm khó khăn của hệ thống ngân hàng, TTTD vì thế cũng khó tạo bước đột phá.

Vậy cách nào để gỡ khó cho TTTD, thưa ông?

Hiện tại tổng cầu nền kinh tế vẫn suy giảm mạnh. Ngay cả DN tốt cũng chỉ duy trì hoạt động chứ không mở rộng kinh doanh nên nhu cầu vay vốn từ đối tượng này là không nhiều. Trong khi với các DN thực sự thiếu vốn, nhưng sức khỏe tài chính không tốt, nên ngân hàng cũng không dám rót vốn vào. Hiện tại có thể nói nhiều khoản tiền cho vay của ngân hàng nằm trong hàng tồn kho của DN dưới dạng BĐS, hàng hóa sản xuất…

Với những khó khăn trên nếu không có “bàn tay” Nhà nước can thiệp để giải quyết trên phạm vi diện rộng, giải phóng hàng tồn kho, luân chuyển hàng hóa tốt hơn thì rất khó nói đến câu chuyện TTTD cao trong năm 2013.

Ví dụ, theo ông cần có biện pháp cụ thể nào?

Trước mắt việc nhanh chóng thành lập Công ty quản lý khai thác tài sản (AMC) có thể giải quyết bài toán nợ xấu cho ngân hàng. Như vậy, ngân hàng có động lực hơn trong hỗ trợ DN. Ví như, hiện nhiều DN xây dựng đã hoàn thành được 70% – 80% dự án BĐS, nhưng chưa bán được nhà, nên ngân hàng không dám cho vay thêm nữa. Nếu có AMC đứng ra mua dự án thì ngân hàng mới dám cho DN vay để hoàn thiện.

Hiện ai cũng biết nợ xấu phần lớn tồn đọng tại lĩnh vực BĐS. Cứu BĐS không chỉ giải quyết được nợ xấu mà có thể cứu được hơn 100 ngành nghề liên quan đến BĐS. Như vậy có thể nói mũi tên này trúng nhiều đích.

Theo ông năm nay, NHNN có nên giao chỉ tiêu TTTD theo nhóm như năm 2012?

Tôi cho rằng không cần làm vậy. Có thể những năm trước đây các ngân hàng tăng trưởng nóng, gần như là tăng hết khả năng để chạy theo lợi nhuận. Nhưng từ năm 2011 – 2012 nhận diện thị trường khó khăn và rủi ro hiện hữu khi nợ xấu ăn dần vào vốn tự có đã khiến các ngân hàng thắt chặt khẩu vị rủi ro.

Theo tôi, các NHTM đã có bài học sâu sắc và bản thân họ nhận thức rõ hơn quản trị rủi ro luôn phải đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, tôi đồng tình áp dụng hạn mức TTTD chung toàn hệ thống, nhưng không nên mỗi nhóm ngân hàng lại áp con số chỉ tiêu khác nhau.

Có thể đối với những lĩnh vực NHNN ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu… NHNN áp trần lãi suất cho vay cũng là định hướng cho các NHTM trong hoạt động tín dụng năm 2013. Tất nhiên không nhất thiết là các ngân hàng phải “đau đáu” chuyển dịch sang các lĩnh vực trên, nhưng khi hồ sơ vay vốn của DN thuộc đối tượng cần hỗ trợ thì ngân hàng sẽ ưu tiên hơn.

Do đó, trong thời gian tới có thể có những ngân hàng vượt TTTD 12%. Mức tăng này, mà tỷ lệ tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên thì NHNN nên xem xét, nếu tăng ngoài ngành nhiều hơn thì sẽ “tuýt còi”. Tôi cho rằng điều chỉnh linh hoạt sẽ giúp cho TTTD toàn hệ thống hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thanh Huyền thực hiện

thời báo ngân hàng