Campuchia và Lào thuộc top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Campuchia và Lào thuộc top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2013 từ 3% xuống 2.4% và năm 2014 từ 3.3% xuống 3.1% đồng thời dự báo tăng trưởng năm 2015 ở mức 3.3%. Điều có thể dễ dàng nhận thấy từ phần dự báo về từng quốc gia riêng biệt trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của WB là các nền kinh tế phát triển không phải là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

* 20 thị trường mới nổi thu hút vốn đầu tư nhiều nhất thế giới

* Những nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất thế giới

Dựa trên ước tính của WB, Business Insider đã thống kê 20 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) cao nhất trong giai đoạn từ 2013-2015.

Điều đáng chú ý, những quốc gia thuộc danh sách trên không phải là các nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới hay các nước có mức sống cao nhất. Trên thực tế, đây là những quốc gia đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng về thu nhập với GDP bình quân đầu người cực kỳ thấp. Trong đó bao gồm một số quốc gia “sơ khai” với GDP thấp và vì thế có thể dễ dàng đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn được đề cập ở trên. Ngoài ra, đa số đều là các quốc gia kém phát triển. Trong đó, 5 quốc gia có giá trị xuất khẩu chủ yếu đến từ lĩnh vực khai khoáng và 4 quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí.

20. Uganda

  • Tăng trưởng GDP 2012: +3.40%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +6.20%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.27%

 

Dù Uganda có nguồn dự trữ dầu và khoáng sản rất lớn nhưng khoảng 80% lực lượng lao động của nước này lại làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Các cuộc cải cách bắt đầu áp dụng từ năm 1990 tiếp tục tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng và kìm chế lạm phát cũng như thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp và sản lượng.

19. Campuchia

  • Tăng trưởng GDP 2012: +6.60%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +6.70%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.39%

 

Lĩnh vực dệt may của Campuchia chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Việc phát hiện các mỏ dầu thời gian gần đây bên cạnh sự phát triển không ngừng của các nguồn tài nguyên khoáng sản sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng GDP. Tuy vậy, các rào cản đối với đà tăng trưởng trong dài hạn vẫn còn: đó là việc đào tạo và đem lại công ăn việc làm cho thanh niên Campuchia khi phần lớn dân số của nước này đều ở độ tuổi dưới 25.

18. Tanzania

  • Tăng trưởng GDP 2012: +6.50%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +6.80%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.43%

 

Xét theo GDP đầu người, quốc gia “sơ khai” này là được xếp vào nhóm nghèo nhất thế giới. Lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 25% GDP và 85% kim ngạch xuất khẩu đồng thời tuyển dụng xấp xỉ 80% lực lượng lao động. Đáng chú ý, quốc gia này sở hữu nguồn dự trữ kim cương vàng và sắt rất lớn.

17. Zambia

  • Tăng trưởng GDP 2012: +6.70%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +7.10%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.46%

 

Kể từ thập niên 1990, quá trình tư nhân hóa các công ty khai thác đồng đã trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Zambia. Do đó, đà tăng trưởng của nền kinh tế nước này dễ bị tác động bởi các cú sốc về giá đồng. Năm 2005, IMF đã xóa khoản nợ 6 tỷ USD cho Zambia. Hiện nước này đang nỗ lực giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.

16. Panama

  • Tăng trưởng GDP 2012: +10.00%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +7.50%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.50%

 

Lĩnh vực dịch vụ của Panama chiếm hơn ¾ GDP nước này. Công suất của kênh đào Panama – kết quả của dự án kéo dài 7 năm và tiêu tốn 5.3 tỷ USD – có thể gia tăng gấp đôi vào năm 2014. Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia Mỹ Latinh này giảm nhẹ 3%.

15. Sri Lanka

  • Tăng trưởng GDP 2012: +6.10%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +6.80%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.54%

 

Sở dĩ tăng trưởng GDP của Sri Lanka đạt được kết quả khả quan là nhờ quá trình tái thiết đất nước sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Dù vậy, đà tăng trưởng phần nào bị kìm hãm bởi các khoản thanh toán nợ nhưng thu nhập bình quân đầu người lại thuộc hàng cao nhất trong khu vực.

14. Uzbekistan

  • Tăng trưởng GDP 2012: +8.20%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +7.50%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.62%

 

Uzbekistan xuất khẩu khí thiên nhiên, vàng và bông nhưng nước này đã bị chỉ trích vì sử dụng lao động trẻ em. Tình trạng mất cân đối về thu nhập đã thực sự gia tăng mạnh kể từ khi nước này giành được độc lập. Sự cách biệt đối với nền kinh tế toàn cầu đã giúp Uzbekistan tránh được nguy cơ suy giảm dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

13. Gambia

  • Tăng trưởng GDP 2012: +3.90%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +10.70%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.85%

 

Gambia hầu như không có tài nguyên thiên nhiên và lĩnh vực nông nghiệp của nước này cũng kém phát triển. Gambia phụ thuộc nhiều vào các khoản chi chuyển nhượng (transfer payments) và nguồn vốn viện trợ nước ngoài. Nguyên nhân giúp Gambia xuất hiện trong danh sách này là GDP cơ bản thấp, khiến dự báo tăng trưởng cao hơn so với các quốc gia khác. Lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, đang bùng nổ.

12. Rwanda

  • Tăng trưởng GDP 2012: +7.70%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +7.5-%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.88%

 

Rwanda đã dễ dàng đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhờ mức GDP khởi điểm thấp so với các nền kinh tế phát triển của châu Âu hay Mỹ. Hơn 90% lực lượng lao động của nước này tham giao vào lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ Rwandan đã đầu tư vào công nghệ thông tin cũng như giáo dục nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế bền vững.

11. Cộng hòa Dân chủ Công-gô

  • Tăng trưởng GDP 2012: +6.60%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +8.20%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.92%

 

Dù có tiềm năng rất lớn nhưng tăng trưởng của Cộng hòa Dân chủ Công-gô vẫn còn hạn chế do tham nhũng và chiến tranh. Lĩnh vực khai khoáng đã đóng góp rất nhiều mặt hàng xuất khẩu cho nước này, chẳng hạn như kim cương, vàng và đồng. Năm 2010, Công-gô đã được IMF xóa nợ.

10. Ethiopia

  • Tăng trưởng GDP 2012: +7.80%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +7.50%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +7.96%

 

Cà phê đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia Ethiopia. Dù tăng trưởng GDP khá cao nhưng GDP đầu người lại thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tại Ethiopia, toàn bộ đất đai đều thuộc sở hữu của nhà nước và đây là một yếu tố khá quan trọng vì nông nghiệp chiếm đến hơn 40% GDP.

9. Angola

  • Tăng trưởng GDP 2012: +8.10%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +7.20%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +8.08%

 

85% GDP của quốc gia thành viên OPEC này đến từ sản xuất dầu và các ngành công nghiệp liên quan.

8. Lào

  • Tăng trưởng GDP 2012: +8.20%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +7.50%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +8.08%

 

75% lực lượng lao động của Lào tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực đóng góp khoảng 30% vào GDP. Đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực thủy điện, khai khoáng và xây dựng đã thúc đẩy tăng trưởng của nước này và hạ thấp tỷ lệ đói nghèo trong vòng hai thập kỷ qua. Nợ công của Lào khá thấp so với nhiều quốc gia châu Á khác.

7. Ghana

  • Tăng trưởng GDP 2012: +7.50%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +7.80%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +8.15%

 

Lĩnh vực dịch vụ đóng góp 50% cho GDP trong khi hoạt động sản xuất dầu, vàng và cacao chính là cơ sở cho đà tăng trưởng trong tương lai. Lạm phát được dự báo tăng mạnh hơn tăng trưởng GDP thực trong vòng hai năm tới và hạ thấp gánh nặng nợ vẫn còn là một thách thức lớn đối với quốc gia châu Phi có thu nhập trung bình này.

6. Mozambique

  • Tăng trưởng GDP 2012: +7.50%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +8.00%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +8.73%

 

Phần lớn dân số của Mozambique đều sống dưới mức nghèo khó và viện trợ nước ngoài chiếm đến 50% ngân sách Chính phủ. Xuất khẩu nhôm của Mozambique đóng góp hơn 30% vào kim ngạch xuất khẩu và sự biến động của giá hàng hóa đã tác động đến tăng trưởng GDP của nước này.

5. Trung Quốc

  • Tăng trưởng GDP 2012: +7.90%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +8.40%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +8.77%

 

Nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu đang dần chuyển đổi từ một nền kinh tế nhà nước và đang giới thiệu các yếu tố của một thị trường tự do. Tình trạng già hóa dân số, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, nhu cầu nội địa ảm đạm là các rủi ro đối với đà tăng trưởng của nước này. Hiện Trung Quốc đang dẫn đầu về phát triển năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng mặt trời.

4. Sierra Leone

  • Tăng trưởng GDP 2012: +25.00%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +11.10%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +9.54%

 

Gần 50% lực lượng lao động của Sierra Leone tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, khiến dự trữ khoáng sản của quốc gia này tương đối kém phát triển. Được biết, kim cương chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của Sierra Leone.

3. Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste

  • Tăng trưởng GDP 2012: +10.00%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +10.00%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +10.63%

 

Hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi là nguồn doanh thu chính của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào lĩnh vực dầu khí và tình trạng thất nghiệp lại là các rào cản đối với đà tăng trưởng của nước này.

2. Iraq

  • Tăng trưởng GDP 2012: +11.10%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +13.50%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +12.23%

 

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Iraq có thể gia tăng sau khi quân đội Mỹ rút lui khỏi Iraq. Xuất khẩu dầu, hoạt động đem lại sự giàu có cho quốc gia này, đã trở về các mức trước chiến tranh. Việc áp dụng cơ chế thị trường tự do, tăng cường khung pháp lý cho các doanh nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng là chìa khóa đem lại đà tăng trưởng cho quốc gia này.

1. Mông Cổ

  • Tăng trưởng GDP 2012: +11.80%
  • Tăng trưởng GDP 2013: +16.20%
  • Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 2013-2015: +13.60%

 

Các mỏ khoáng sản như đồng, vàng, than, urani, thiếc và vonfam chính là nguồn tài nguyên đem lại sự giàu có cho Mông Cổ. Xuất khẩu hàng hóa – vốn áp đảo so với Trung Quốc - và đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực cho đà tăng trưởng GDP trong thời gian tới.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN