Cầu tín dụng mới là yếu tố quyết định

Cầu tín dụng mới là yếu tố quyết định

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, Thông tư 02/2013/TT-NHNN phản ánh tốt hơn, chính xác hơn nợ quá hạn, nợ xấu thì rõ ràng sẽ hỗ trợ cho công tác xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được triệt để hơn. Đồng thời, tạo ra điều kiện cho hệ thống lành mạnh, bền vững hơn về lâu dài.

Từ ngày 1/6 tới, khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN chính thức có hiệu lực. Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, lượng tiền mà các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dành ra để trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) có thể sẽ tăng lên khi phạm vi phải tính và trích lập DPRR bao gồm cả các tài sản có như: Trái phiếu DN, cho vay ủy thác.

Điểm tích cực của Thông tư 02 là gì thưa ông?

Thông tư 02 phản ánh đầy đủ, chính xác, công bằng, thống nhất và tiệm cận hơn với quốc tế. Bởi, theo quy định trước đây (Quyết định 493/2005/QĐ - NHNN ngày 22/4/2005 của NHNN-PV), TCTD nào có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ rồi thì áp theo điều 7; những TCTD chưa có hệ thống này thì theo điều 6, nên mức độ phản ánh chưa thật sự chính xác và công bằng. Còn với Thông tư 02 đảm bảo tính thống nhất và nhất quán hơn, vì bắt buộc các TCTD phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.

Bên cạnh đó, Thông tư 02 tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế. Vì vậy sẽ phản ánh chính xác hơn về tình hình nợ quá hạn, nợ xấu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ý ông là nợ quá hạn, nợ xấu của các TCTD có thể tăng lên theo quy định của Thông tư mới?

Nhiều khả năng nợ quá hạn, nợ xấu của các TCTD sẽ tăng lên, kéo theo chi phí DPRR sẽ tăng lên và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận của các TCTD trong năm 2013.

Có một số ý kiến cho rằng, Thông tư này khiến tăng trưởng tín dụng (TTTD) “tắc nghẽn” hơn, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Như chúng ta thấy, là tháng cận Tết Nguyên đán, nhưng TTTD tháng 1 vẫn âm khoảng 1% so với cuối năm 2012 dù lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian gần đây và Thông tư này thì từ tháng 6 tới mới có hiệu lực. Điều đó cho thấy, mấu chốt quan trọng nhất ảnh hưởng đến TTTD năm nay là cầu tín dụng thế nào.

Tuy nhiên tôi cũng cho rằng, Thông tư này có thể ảnh hưởng đôi chút đến vấn đề cho vay ra của các TCTD khi chúng ta nhìn thấy khả năng “nhảy nhóm nợ” có thể xảy ra. Ví dụ khi Thông tư chính thức có hiệu lực, một số khoản nợ đang từ nhóm 2 có thể chuyển qua nợ nhóm 3 (nợ xấu) và sẽ không được cấp tín dụng.

Tuy nhiên, với Quyết định 780/QĐ-NHNN của NHNN về cấu trúc lại nợ của các TCTD, hay các chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp để giúp DN tiếp cận vốn thì các TCTD vẫn có thể vận dụng để tiếp tục cho khách hàng vay trên cơ sở triển vọng và khả năng trả nợ của họ.

Ý tôi là, bản chất ở đây khách hàng vẫn là khách hàng đó, nên việc nhảy nhóm nợ chẳng qua là do mình thay đổi cách tính thôi. Vấn đề là khách hàng ấy có triển vọng thế nào, có “bệnh” hay không thì chính ngân hàng cho vay sẽ là người biết và nắm rõ nhất.

Vậy ông đánh giá thế nào khi Thông tư này đi vào cuộc sống?

Việc Thông tư phản ánh tốt hơn, chính xác hơn nợ quá hạn, nợ xấu thì rõ ràng sẽ hỗ trợ cho công tác xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được triệt để hơn. Đồng thời, tạo ra điều kiện cho hệ thống lành mạnh, bền vững hơn về lâu dài. Còn đương nhiên thì năm nay các ngân hàng sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê thực hiện

thời báo ngân hàng