Dòng vốn vẫn tìm kênh ngân hàng

Dòng vốn vẫn tìm kênh ngân hàng

Khi lãi suất vẫn theo chế độ thực dương, trong bối cảnh các kênh đầu tư chủ chốt như như vàng, bất động sản đều kém hấp lực, thì nguồn vốn nhàn rỗi sẽ vẫn tiếp tục tìm đến kênh ngân hàng như một sự đương nhiên…

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, vào thời điểm thị trường tín dụng đã đi qua Tết cổ truyền và đang vào tuần cuối tháng 2, khi đã có ý kiến lo ngại, sang tháng 3, nguồn vốn có thể sẽ chia dòng sang các kênh chủ khác như vàng, bất động sản (BĐS) và chứng khoán.

Trước tiên là đối với vàng. Có lẽ chưa có dịp cuối năm nào vàng lại trở nên “ế” như cuối năm vừa qua, đúng hơn là chúng ta đã chứng kiến một thị trường vàng khá bình lặng. Đây được xem là hệ quả tất yếu và khá tích cực, bởi hàng loạt các chính sách về vàng của NHNN đã được triển khai thực hiện quyết liệt trong thời gian qua.

Đó là việc kiểm soát chức năng công cụ thanh toán của vàng; định lại chức năng cất giữ và phòng tránh rủi ro suy giảm về giá trị cho vàng, để loại bỏ những “cơn sóng” làm giá, đầu cơ trục lợi. Đó là việc thực hiện chức năng “người kiến tạo, mua bán cuối cùng” của NHNN, bảo đảm việc cầm chịch điều tiết, để thị trường vàng vận hành một cách minh bạch theo cung – cầu của nó…

Chính vì thế, theo các chuyên gia, trong thời gian tới, sẽ khó xảy ra hiện tượng vàng hút vốn khi mà hiện tượng đầu cơ găm giữ, lướt sóng không còn là “béo bở”.

Đối với lĩnh vực BĐS. Mặc dù gần đây đã có một số chính sách được khởi động, kích hoạt như: Nghị quyết số 01 và số 02 trong tháng 1 vừa qua của Chính phủ, kế đó là chương trình hỗ trợ bù lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội của NHNN, tập trung mở lối nhu cầu nhà ở xã hội, nhắm vào phân khúc người có thu nhập thấp,… Tất cả nhằm làm “tan băng” thị trường này, tránh hệ lụy cho nền kinh tế, sau nữa là tạo hiệu ứng dây chuyền kích hoạt sự tăng trưởng của một số ngành nghề khác, đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng.

Đồng thời, khi thị trường BĐS khởi sắc trở lại, sẽ mở ra cơ hội cho ngân hàng giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu… Tuy nhiên, hiệu ứng của chính sách bao giờ cũng có độ trễ nhất định. Vì vậy, muốn phá thế “đóng băng” thị trường này, đòi hỏi cần có thời gian nhất định. Do vậy, nên hiện nay, hấp lực vốn của BĐS vẫn còn rất yếu.

Còn đối với thị trường chứng khoán (TTCK), có thể thấy tình trạng èo uột vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Gần 2 tháng đầu năm 2013, số doanh nghiệp rút khỏi TTCK ngày một tăng. Thực trạng tồn tại hiện nay của TTCK cho thấy, chỉ có thể phát triển lên được, nếu thực hiện thành công một cuộc tái cấu trúc toàn diện và triệt để nhắm vào hai vấn đề cốt lõi.

Một là, Nhà nước phải có đủ công cụ, để hoàn toàn kiểm soát được tính chân thực về giá trị của cổ phiếu, ngay khi nó phát hành; bảo đảm cho nó, với tư cách là hàng hóa vốn đầu tư, lưu thông một cách minh bạch trên thị trường. Giá trị thực của cổ phiếu, chính là giá trị thực của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu đó.

Hai là, Nhà nước, phải có đủ và bằng hệ thống pháp luật đầy đủ, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư (người mua cổ phiếu) một khi mua phải “hàng rởm”, hoặc khi có tranh chấp giữa người bán và người mua, giữa các công ty môi giới… Nói gọn là hiện tại TTCK vẫn chưa xuất hiện hấp lực thu hút nhiều đầu tư.

Tóm lại, theo nhiều chuyên gia, kinh tế nước ta có thể sẽ có tăng trưởng hơn kể từ nửa cuối năm 2013. Song, hiện đang bị ngáng chặn bởi hàng tồn kho và nợ xấu, nên sức cầu của nền kinh tế còn cần thêm thời gian nữa, mới có thể khởi sắc trở lại được. Và một khi lãi suất vẫn theo chế độ thực dương, trong bối cảnh các kênh đầu tư chủ chốt như đã đề cập ở trên đều kém hấp lực, thì nguồn vốn nhàn rỗi sẽ vẫn tiếp tục tìm đến kênh ngân hàng như một sự đương nhiên…

Ama Linh

Thời báo ngân hàng