GDP quý I năm 2013 chỉ tăng 4,89%

GDP quý I năm 2013 chỉ tăng 4,89%

Dự báo tình hình kinh tế vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong quý II nếu không có được những biện pháp mạnh tay, đặc biệt là việc triển khai tích cực và đồng bộ Nghị quyết 02. 

Theo báo cáo sơ bộ được Bộ Kế hoạch-Đầu tư công bố sáng nay (26-3), tốc độ tăng GDP quý I-2013 ước tính 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4,75% của quý I-2012.

Có được tốc độ tăng GDP như vậy do khu vực dịch vụ tăng cao ở mức 5,65% (đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung).

Theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH-ĐT), trong tăng trưởng quý I năm nay, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây (2010 tăng 4,08%, 2011 tăng 3,35%, 2012 tăng 2,81%) chủ yếu do gặp khó khăn trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I-2013 chỉ tăng 4,9% so với quý I-2012 (cùng kỳ năm trước tăng 5,9%).

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây, cụ thể 4,95% (2011 tăng 7,74%, 2012 tăng 5,8%).

Nhìn chung, đây là mức tăng khá thấp đối với chỉ số sản xuất công nghiệp, bởi doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn, trong khi đó, tình hình thực hiện Nghị quyết 02 lại triển khai chậm, bởi vậy, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ.

CPI tháng 3-2013 tăng 2,39% so với tháng 12-2012, tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước. CPI tăng thấp là dấu hiệu tích cực, song biểu hiện đằng sau của nó cũng đáng lo ngại, đó là cầu đang giảm mạnh, thị trường ảm đạm hơn.

Dự báo tình hình kinh tế vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong quý II nếu không có được những biện pháp mạnh tay, đặc biệt là việc triển khai tích cực và đồng bộ Nghị quyết 02.

Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-3-2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,5% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn mức 19,9% tại thời điểm 1-2-2013.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm qua các tháng trong năm qua chủ yếu do các doanh nghiệp tự kháo gỡ khó khăn bằng cách tiêu thụ sản phẩm với giá rẻ, lãi ít hoặc bán lỗ để giải phóng hàng tồn, thu hồi vốn để tái cơ cấu ngành hàng sản xuất có lợi hơn hoặc đầu tư sang lĩnh vực khác.

Hiện tỷ lệ tồn kho nói chung của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đang ở mức cao làm ảnh hưởng đến mối quan hệ an toàn giữa các khâu sản xuất - tiêu thụ và tồn kho của sản xuất công nghiệp.

Tỷ lệ giữa giá trị tồn kho so với giá trị sản xuất trong một tháng hiện luôn ở mức cao, từ 70-90% (trong khi tỷ lệ an toàn thông thường khoảng 65%).

Những ngành đang có tỷ lệ tồn kho cao là: sản xuất xe có động cơ 147,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế 144,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 142%.

Bảo Minh

Sài gòn đầu tư