Sáp nhập – hợp nhất ngân hàng: Cần một “phác đồ điều trị” chuẩn

Sáp nhập – hợp nhất ngân hàng: Cần một “phác đồ điều trị” chuẩn

Ngân hàng Phương Tây và PVFC đã công khai phương án hợp nhất. Xu hướng này không phải là mới, nhưng được chuyên gia kinh tế tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, khi Ngân hàng Nhà nước ban thông tư 07/2013/TT-NHNN vẽ "phác đồ điều trị” cho các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, hoạt động thiếu an toàn. Ngoài ra, nợ xấu quy mô lớn cũng thúc đẩy nhanh việc hợp nhất, sáp nhập.

Xu hướng sáp nhập ngân hàng sẽ mạnh hơn trong thời gian tới

Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại

Cách đây ít ngày, đại hội cổ đông của Ngân hàng Phương Tây đã "chung kết”, việc hợp nhất giữa ngân hàng này với PVFC chính thức hoàn tất. Hướng hợp nhất sẽ giúp Western Bank, cụ thể là ngân hàng sau hợp nhất đảm bảo được các yêu cầu về giới hạn cấp tín dụng, vốn chủ sở hữu sẽ cao hơn vốn pháp định.

Trước đó, khởi động cho làn sóng sáp nhập - ngân hàng là, sự kiện Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Sài Gòn (SCB) và Việt Nam Tín Nghĩa sáp nhập vào tháng 12-2011. Một bước ngoặt lớn trong ngành tài chính ngân hàng được xác lập, và sau đó, nhiều "mối lương duyên” khác đã hình thành, cụ thể có Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (HBB).

Rõ ràng bước chạy tái cơ cấu ngân hàng thương mại (NHTM) đang được đặt ra gấp rút. Để tạo cơ sở pháp lý, cụ thể hóa hành động, thông tư 07 có hiệu lực từ ngày 27-4 tới, NHNN sẽ "rắn tay” hơn nhằm giải quyết triệt để những yếu kém trong hệ thống. NHNN căn cứ vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của tổ chức tín dụng, để quyết định đặt các TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hay không. Từ việc công khai danh tính đơn vị, NHNN yêu cầu chủ sở hữu TCTD bị kiểm soát đặc biệt xây dựng, kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các TCTD khác trong trường hợp TCTD đó không thể tăng được vốn điều lệ theo yêu cầu trong thời gian NHNN giao.

Quyết liệt hơn nữa NHNN trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác thực hiện việc tham gia góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng không thể thực hiện được yêu cầu tăng vốn điều lệ và không bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động. Và, với bộ giải pháp này, xu hướng hợp nhất, sáp nhập chắc chắn sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Mở lối cho ngân hàng yếu kém

TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, NHNN ra cơ chế mềm để đẩy nhanh hoạt động hợp nhất sáp nhập rất phù hợp, tất yếu với đặc điểm của khối NHTM cổ phần hiện nay. Bối cảnh này được TS Hiếu chỉ ra: nợ xấu cao, tính thanh khoản của một vài phần tử NHTM rất yếu. Hợp nhất là công cụ quan trọng giúp các TCTD nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới sự phát triển bền vững vì khách hàng.

Theo TS Trịnh Anh Quang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế ngân hàng – Ngân hàng Maritimebank, mặt phải của nợ xấu là làm yếu đi sức khỏe của toàn hệ thống, tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, nó tạo ra hồi chuông trong công tác quản trị ngân hàng, buộc các nhà hoạch định phải hiểu rằng, "đã không còn con đường lùi nữa, phải gấp rút thực hiện ngay các biện pháp xử lý”. Khi nợ xấu đến từ chủ quan là năng lực quản trị điều hành yếu kém càng thúc đẩy nhanh hơn quá trình thay đổi nội tại. Nội dung tái cơ cấu NHTM không chỉ là làm trong sạch nợ xấu mà nó sẽ bao gồm thay đổi, cải thiện nhiều phương diện.

Ông Hiếu cũng phân tích, khi hai NH, hay là hai tổ chức định chế tài chính hợp nhất sẽ bổ sung cho nhau về thị phần, vốn, năng lực quản lý, sản phẩm điều hành, công nghệ NH. "Dưới quan điểm của tôi việc hợp nhất là tốt, nhưng 2 đối tác, trường hợp Ngân hàng Phương Tây và PVFC phải biết lên được kế hoạch hoạt động dài hạn cho mình, cách tổ chức mạng lưới trong tương lai như thế nào”.

Nhưng việc NHNN có quyền chỉ định việc hợp nhất sáp nhập phải chăng là sự can thiệp quá sâu? Ông Hiếu trả lời: Không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Đối với các nước tiên tiến như Mỹ, sự tồn tại hay mất đi một tên tuổi NH do chính thị trường quyết định. Song trong bối cảnh nền tài chính Việt Nam chưa thật sự minh bạch, NHNN buộc phải rắn tay từ "tự nguyện” đến "áp buộc” . NHNN nhận thấy nợ xấu đang rất nghiêm trọng. Bản thân các chủ NH vì lợi ích nhóm, sẽ không bao giờ chịu thả đứa con của mình, nhờ người khác nuôi. NHNN nhận thấy, các NHTM sẽ chây ỳ và cố tình kéo dài tình thế hơn là tự nguyện sáp nhập vì vậy việc ép các TCTC bị kiểm soát đặc biệt hợp nhất cũng là chỉ việc cùng chẳng đã.

Chưa kể thêm khó khăn của NHNN là phải xác minh được tình trạng sức khỏe của các TCTD. Mặc dù tài sản trên sổ sách của các NH khá rõ ràng, tài sản có và tài sản nợ được ghi chú cụ thể nhưng liệu rồi những con số trên sổ sách có đúng hay không lại là chuyện khác.

Các chuyên gia cũng lưu ý, việc hợp nhất – sáp nhập trong giới tới tài chính ngày càng tăng cả về quy mô, hình thức, tạo thành làn sóng mới trong thời gian tới. Trong đó không chỉ có việc kết hôn giữa TCTD trong nước, mà các TCTD nước ngoài mua lại cổ phần NH trong nước. Nhiều trường hợp trong số đó chỉ là đầu tư tài chính đơn thuần, và không tạo ra giá trị gia tăng.

Hồ Hương

Đài Đoàn Kết