Síp và EU đạt được thỏa thuận giải cứu mới, không đánh thuế tiền gửi

Síp và EU đạt được thỏa thuận giải cứu mới, không đánh thuế tiền gửi

Sẽ không có chuyện đánh thuế tiền gửi nhưng để nhận được khoản giải cứu 10 tỷ EUR (tương ứng 13 tỷ USD) nhằm vực dậy hệ thống ngân hàng và ngăn chặn nguy cơ rút khỏi Eurozone, ngân hàng lớn thứ hai của Cộng hòa Síp - Popular Bank of Cyprus - sẽ đóng cửa.

* Cộng hòa Síp trước hạn chót giải cứu kinh tế

* Những số phận quốc gia dưới trướng hệ thống ngân hàng

Một số nguồn tin của CNBC trích lời các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Cộng hòa Síp và các nhà cho vay quốc tế đã đạt được thỏa thuận giải cứu mới. Tiếp đó, theo một nguồn tin của Reuters, các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) đã thông qua kế hoạch giải cứu này.

Theo đó, EU sẽ không đánh thuế bất kỳ khoản tiền gửi nào tại các ngân hàng của Síp và Popular Bank of Cyprus (hay Laiki), ngân hàng lớn thứ hai tại nước này, sẽ đóng cửa. Các khoản tiền gửi dưới 100,000 EUR tại Laiki sẽ được chuyển sang Bank of Cyprus trong khi các khoản tiền gửi trên 100,000 EUR sẽ bị đóng băng.

Sau khi nhận được thông tin trên, đồng EUR nhảy vọt lên trên 1.3 USD/EUR trong phiên giao dịch tại châu Á vào sáng ngày thứ Hai.

Thứ Năm tuần trước, ECB cho biết có thể tạm ngưng khoản hỗ trợ khẩn cho Cộng hòa Síp sau ngày thứ Hai (25/03) nếu nước này không đạt được thỏa thuận với EU và IMF về gói giải cứu ngân hàng. Được biết, ECB tuyên bố hỗ trợ thanh khoản cho Cộng hòa Síp vào ngày 19/03 sau khi Quốc hội nước này bác bỏ biện pháp đánh thuế tiền gửi ngân hàng với 0 phiếu thuận, 36 phiếu chống và 19 phiếu trắng.

Cộng hòa Síp đã trở thành “đốm lửa mới” của cuộc khủng hoảng tài chính Eurozone vào cuối tuần qua do kế hoạch đánh thuế tiền gửi ngân hàng để nước này có thể nhận được gói giải cứu 10 tỷ EUR (tương ứng 12.96 tỷ USD) từ các nhà cho vay quốc tế.

Eurozone và IMF cho biết có thể đóng góp tới 10 tỷ EUR cho gói giải cứu và yêu cầu Cộng hòa Síp huy động 5.8 tỷ EUR thông qua việc đánh thuế tiền gửi – một động thái chưa có tiền lệ trong suốt cuộc khủng hoảng nợ kéo dài vừa qua.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN