TTCK Việt Nam: Liệu phải dừng chơi?

TTCK Việt Nam: Liệu phải dừng chơi?

Giờ này mà còn chơi chứng à? Nghiêm cấm bắt dao rơi!, v.v đó là những câu nói thường xuyên của nhà đầu tư khi dấu hiệu của mùa downtrend về.

Trong vòng hai năm qua, chỉ số VN-Index đã không vượt qua được 500 điểm; còn HNX-Index ngày càng xấu đi, đáy sau thấp hơn đáy trước, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Đặc biệt, sau sự cố ngày 21/2/2013, cả hai chỉ số rơi nhanh và mạnh. Cũng trong hai năm này, thị trường mỗi lần rơi thường kéo dài hàng tháng, thậm chí vài tháng, liệu lần này lịch sử có lặp lại?

Thị trường chứng khoán kết thúc phiên giao dịch ngày 4/3/2013 với diễn biến xấu mà chẳng có lý do nào để gán cho nó. Hay đơn giản chỉ có thể là lý do cuộc chơi nào rồi cũng đến hồi kết, thị trường đi lên do nhiều hàng lỗ khủng được “bơm thổi” nên giờ phải trả giá? Tuy vậy, hàng “bơm thổi - lỗ khủng” điển hình như PVX đã rơi khá nhanh và sắp về đáy cũ.

Trên thực tế, cả thị trường đang bị giảm mạnh sau một đợt tăng giá dài chứ không phải riêng gì PVX. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận nếu những cổ phiếu có tính đầu cơ cao như PVX, VCG, SCR, SHB, VNDKLS đã đi vào vòng xoáy suy giảm thì HNX khó có thể tăng lên nhờ cổ phiếu khác.

Còn bên sàn HOSE, hàng loạt các mã từ đầu cơ, trụ cột, các cổ phiếu có chỉ số tốt như ITA, KBC, PVF, BVH, HSG, DRC hay CSM đều bị bán mạnh.

Câu hỏi đặt ra ở đây? Những cổ phiếu “bơm thổi” có đáng được bơm thổi để rồi bị vùi dập giữa đường hay không? Người viết xin phân tích hai cổ phiếu điển hình là PVX và KBC.

Với báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2012 của PVX đã trình làng con số lỗ khủng năm 2012 là 1,520 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 1,000 tỷ đồng). Con số này không phải đến tận ngày ra báo cáo giới đầu tư mới biết mà nó đã râm ran trên các diễn đàn từ nhiều tháng trước, nhưng PVX vẫn được “đánh lên” ấn tượng, là một trong những cổ phiếu siêu thanh khoản trên hai sàn. Vậy tại sao PVX được chọn là tâm điểm để đánh lên?

Phải chăng cổ phiếu này được kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 1/2013 sáng sủa hơn, có thể nó sẽ được hoàn nhập dự phòng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây “lỗ giả” với con số hơn 700 tỷ đồng? Cổ phiếu này còn có thể kỳ vọng có một nguồn doanh thu trong tương lai chưa được hạch toán, được chứng minh nhờ con số “người mua trả tiền trước “hơn 6,500 tỷ đồng? Mặt khác, điểm sáng của PVX là công ty có số dư tiền mặt lớn gần 2,500 tỷ đồng, đây là điểm tích cực, là mơ ước của nhiều công ty xây lắp hiện nay.

Đối với trường hợp của KBC, sau thông tin báo cáo lỗ hợp nhất năm 2012 hơn 490 tỷ đồng, KBC chỉ có một phiên tiêu cực và sau đó tiếp đà tăng cho đến khi gặp sự cố của ngày 21/2 mà khi đó cả toàn thị trường cùng chịu ảnh hưởng chứ không riêng chỉ KBC. Có thể thấy, cổ phiếu KBC được sự quan tâm chú ý đặc biệt của khối ngoại.

Vào thời điểm cuối năm 2012 trên các diễn đàn râm ran về việc KBC đã ký kết được hợp đồng lớn có quy mô vài trăm tỷ đồng với một đối tác lớn thuê khu công nghiệp (KCN) của KBC. Có thể đây là mấu chốt để cổ phiếu KBC tăng mạnh trở lại và được kỳ vọng về một kết quả tốt trong tương lai.

Theo cách hiểu của người viết, việc KBC thu hút được một khách hàng lớn sẽ giúp KBC không chỉ dừng lại ở khách hàng đó mà sẽ kéo theo các công ty vệ tinh về với khu công nghiệp này. Bởi thông thường, khi phát triển một KCN thành công, chủ đầu tư bao giờ cũng phải tìm những đối tác lớn vào trước. Và từ đó sẽ kéo theo các công ty vệ tinh, ví dụ khi các tập đoàn lớn như Canon, LG, Samsung, v.v mà có mặt ở KCN nào thì nơi đó và các KCN lân cận sẽ thu hút được hàng loạt các công ty vệ tinh đi theo.

Như vậy, việc hai cổ phiếu đầu cơ điển hình như PVX, KBC gây sự chú ý của giới đầu tư trong thời gian qua không phải là xấu hoàn toàn, xấu thực sự, và sự tăng mạnh cũng không phải là không có lý do. Tuy nhiên, đà rơi của nó mạnh hơn những cổ phiếu khác có thể gây thiệt hại với người này và là cơ hội cho người khác nếu như tương lai quý 1 sẽ có những tia sáng nhờ những con số tiềm ẩn trong báo cáo tài chính đề cập trên. Nhưng ngược lại, nếu TTCK chính thức bước vào vòng quay giảm dần đều kéo dài vài tháng như bao chu kỳ downtrend trước thì rất tiếc cho mùa Đại hội cổ đông năm 2013 và mùa báo cáo Quý 1/2013 - Thị trường không sóng!

Cát Lợi (Vietstock)

FFN