ĐHĐCĐ PTL: Kinh doanh lỗ, sao HĐQT có thù lao còn cổ đông thì không cổ tức?

ĐHĐCĐ PTL: Kinh doanh lỗ, sao HĐQT có thù lao còn cổ đông thì không cổ tức?

Đó là câu hỏi mà cổ đông đã chất vấn HĐQT tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 của CTCP Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí - Petroland (HOSE: PTL) diễn ra vào sáng 25/04.

Cụ thể, cổ đông đã chất vấn một số vấn đề như: Nguyên nhân mà PTL bị thua lỗ và trách nhiệm này thuộc về ai? Tình hình kinh doanh tuy không khả quan nhưng sao thù lao của HĐQT (bao gồm 1 chuyên trách và 3 kiêm nhiệm) vẫn lên đến gần 625 triệu đồng trong khi cổ đông lại không có cổ tức? Vì sao kế hoạch năm 2013, công ty vẫn không chia cổ tức cho cổ đông?

Đại diện HĐQT của PTL trả lời rằng họ là những người đại diện cho các cổ đông lớn, cũng chịu áp lực rất nhiều. Các cổ đông lớn cũng yêu cầu phải tìm cách để có thể chi trả cổ tức cho cổ đông nhưng đang khó khăn nên công ty chỉ cổ gắng để bảo toàn giá trị của công ty. Việc chi trả cổ tức PTL sẽ cố gắng chi trả trong các kỳ tới.

Được biết, công ty đạt 444.3 tỷ đồng doanh thu, lỗ gần 2.6 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2012. PTL đã dùng 7.9 tỷ để mua cổ phiếu quỹ và phần còn lại chuyển vào quỹ phúc lợi. Với kết quả đó, Đại hội đã thông qua việc không chia cổ tức năm 2012.

 

Về kế hoạch kinh doanh năm 2013, Đại hội cũng thông qua chỉ tiêu do HĐQT đặt ra với doanh thu 793 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.12 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 1.04 tỷ. Năm 2013, PTL cũng dự kiến không chi trả cổ tức.

Đại hội tiến hành bầu lại HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ mới 2013-2017 với danh sách được thông qua:

  • Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới gồm 5 thành viên:
  1. Ông Ngô Hồng Minh
  2. Ông Bùi Minh Chính
  3. Ông Nguyễn Trung Trí
  4. Ông Nguyễn Quốc Hưng
  5. Ông Trần Hữu Trang
  • Ban kiểm soát gồm 3 thành viên:
  1. Ông  Nguyễn Thanh Cường
  2. Ông Nguyễn Hữu Tùng
  3. Bà Hoàng Thị Thu Huyền

Ngoài ra, Đại hội cũng đã thông qua việc chuyển trụ sở công ty từ Tòa nhà văn phòng số 16 Trương Định – Q3 về Tòa nhà Petroland – Q.7 sau khi dự án 16A Trương Định được bán cho SCIC với giá 142.5 tỷ đồng (đã có VAT). Trong đó 126 tỷ đồng được dùng để trả nợ vay, phần còn lại dùng để chi trả cho các khoản khác.

Quỳnh Trang (Vietstock)

FFN