ĐHĐCĐ TDW: Nhu cầu vốn và áp lực lợi nhuận

ĐHĐCĐ TDW: Nhu cầu vốn và áp lực lợi nhuận

Năm 2013, CTCP Cấp nước Thủ Đức (HOSE: TDW) sẽ chuyển phần lớn các dự án mở phát triển mạng lưới cấp nước trên địa bàn cho Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (công ty mẹ) thực hiện, TDW đứng ra làm tư vấn đầu tư, sau đó thuê lại các công trình đã hoàn thành để quản lý và khai thác.

Nội dung này đã được ĐHĐCĐ thường niên 2013 của TDW thông qua vào sáng 16/04.

Trình bày tại Đại hội, ông Nguyễn Xuân Cầu (ảnh), Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc của TDW cho biết, trong năm 2013 công ty có kế hoạch đầu tư đến 8 dự án phát triển mạng lưới cấp nước, với khối lượng đường ống là 45,740 m, kinh phí đầu tư 75.6 tỷ đồng, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, công ty chỉ có thể thực hiện một dự án khối lượng 5,000 m và giá trị 6 tỷ đồng. Vì vậy, công ty đã thỏa thuận với Tổng công ty và đề nghị cổ đông thông qua việc Tổng công ty bỏ vốn đầu tư 7 dự án còn lại và TDW chỉ đứng ra thuê lại các dự án đã hoàn thành để quản lý và khai thác.

Trong năm 2013, công ty cũng đặt kế hoạch thực hiện 4 dự án sửa chữa đường ống mục, với khối lượng 12,485 mét, kinh phí 22.7 tỷ đồng.Việc đầu tư mới và sửa chữa sẽ giúp doanh thu của công ty tăng thêm gần 50 tỷ đồng so với năm 2012, đạt gần 421 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế và sau thuế tăng nhẹ, đạt 26.93 tỷ đồng và 21.45 tỷ đồng. Công ty vẫn đảm bảo duy trì cổ tức 12% bằng tiền mặt cho cổ đông; quỹ lương 42.63 tỷ đồng, tức bình quân 10.7 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho biết, thực hiện chủ trương mở rộng mạng lưới cấp nước của Thành phố đòi hỏi công ty phải có nguồn vốn rất lớn, tuy nhiên với số vốn hạn hẹp (85 tỷ đồng), trong khi Tổng công ty không còn chủ trương cho các công ty cổ phần cấp nước vay vốn phát triển phát triển mạng lưới nữa, mà phải đề xuất các dự án cho Tổng công ty xem xét đầu tư rồi cho công ty thuê lại.

Giải thích vì sao không phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu vừa để huy động vốn, đồng thời tăng tính thanh khoản của cổ phiếu TDW trên thị trường, ông Tuấn cho rằng, việc đầu tư các dự án cấp nước rất tốn kém, nhưng việc thu hồi vốn chậm. Vì vậy, nếu phát hành thêm sẽ rất khó đảm bảo lợi nhuận và cổ tức 12% cho cổ đông. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay nếu trả cổ tức thấp sẽ không khuyến khích được cổ đông ở lại với công ty.

Do đó, để vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của một doanh nghiệp công ích vừa hoàn thành mục đích kinh tế cho cổ đông, TDW đặt mục tiêu gia tăng sản lượng nước tiêu thụ; bảo toàn sử dụng vốn hiệu quả đồng vốn, phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát nước 1.5% so với mức 25.59% của năm 2012.

ĐHĐCĐ thường niên 2013 của TDW cũng đã thông qua báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2012 với các chỉ tiêu đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 374 tỷ đồng, tương đương 105.65% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 25.87 tỷ đồng (đạt 102.96%); lợi nhuận sau thuế 20.33 tỷ đồng (đạt 102.87%); thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng; và cổ tức 12% bằng tiền mặt sẽ được chi trả vào tháng 5 tới.

Viết Vinh (Vietstock)

ffn