Ngân hàng thay tướng: Kỳ vọng làn gió mới

Ngân hàng thay tướng: Kỳ vọng làn gió mới

Ngành ngân hàng đã bước ra khỏi thời kỳ khó khăn nhất nhưng thách thức lớn vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi phải có sự thay đổi lãnh đạo, cơ cấu lại bộ máy, quản trị ...

Làn sóng thay “tướng” ở các ngân hàng (NH) thương mại bắt đầu từ năm ngoái và chưa dừng lại khi hoạt động tái cơ cấu ngành NH đang diễn ra mạnh mẽ.

Nhiều biến động nhân sự cấp cao

Thông tin mới nhất về biến động nhân sự của ngành NH có lẽ là việc bà Đàm Bích Thủy, từng là CEO của NH ANZ tại Việt Nam, sẽ về nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc NH TMCP Quốc tế (VIB) sau khi bà Dương Thị Mai Hoa, nguyên tổng giám đốc, từ nhiệm vì lý do cá nhân. Bà Dương Thị Mai Hoa hiện lãnh đạo tại NH TMCP Hàng hải (Maritime Bank) sau chỉ hơn 1 năm nắm quyền ở VIB.

Ngay đầu năm 2013, NH TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) cũng công bố Phó Tổng Giám đốc mới là ông Lê Xuân Vũ, khi ông này vừa rời vị trí lãnh đạo cấp cao tại NH TMCP Kỹ thương (Techcombank). Đồng thời, ông Nguyễn Mạnh Quân, nguyên phó tổng giám đốc, cũng được miễn nhiệm chức danh từ cuối tháng 1-2013. Một sự thay đổi khác tại NH này là việc đưa ông Đàm Thế Thái từ tư vấn cấp cao của NH lên giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Hồi giữa tháng 3, NH TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng công bố bổ nhiệm lãnh đạo mới. Ông Cao Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc, đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc thay ông Nguyễn Duy Hưng, người sẽ tập trung trong vai trò mới là Phó Chủ tịch HĐQT.

Thách thức lớn còn ở phía trước

Làn sóng này bắt đầu diễn ra mạnh mẽ từ năm 2012 khi hàng loạt NH công bố thay đổi nhân sự như ACB, Maritime Bank, Sacombank, Techcombank, VPBank, Tienphong Bank, LienvietPost Bank, Kienlong Bank, Southernbank, SCB… Có nhiều lý do cho những sự thay đổi này, như: lãnh đạo NH đến tuổi nghỉ hưu, vì lý do cá nhân, do bị thâu tóm, quá trình hợp nhất các NH, đến cả việc một số lãnh đạo NH dính vào vòng lao lý…

Từ giữa năm 2011, hệ thống NH thương mại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khi thanh khoản của một số NH bị đe dọa, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Để cứu nguy ngành NH, tái cơ cấu các NH thương mại được xem là 1 trong 3 trọng tâm cơ bản của việc tái cơ cấu nền kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ngành NH đã bước ra khỏi thời kỳ khó khăn nhất nhưng thách thức lớn còn ở phía trước đòi hỏi phải có sự thay đổi lãnh đạo, cơ cấu lại bộ máy, quản trị…

Trong quá trình đó, việc thay đổi lãnh đạo NH với kỳ vọng đem lại làn gió mới, kế hoạch mới phát triển từng NH thương mại ngày càng tốt hơn là điều khó tránh. Năm nay, việc thay “tướng” của các NH diễn ra khá lặng lẽ chứ không rầm rộ như những năm trước. Mùa đại hội cổ đông năm nay dự báo sẽ tiếp tục có sự thay đổi lãnh đạo cao cấp tại nhiều NH khi các quyết định về miễn nhiệm, bầu thay thế, bổ sung thành viên HĐQT, ban kiểm soát… được tiến hành theo yêu cầu của từng NH và quá trình tái cơ cấu theo yêu cầu của NH Nhà nước.

Xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành sẽ còn diễn ra mạnh mẽ thời gian tới khiến nhân sự cao cấp tại các NH khó tránh biến động. Một chuyên gia kinh tế nhận xét ở các NH đang diễn ra quá trình hợp nhất, sáp nhập, việc thay đổi nhân sự cấp cao là tất yếu. Tuy nhiên, nếu quá trình này chỉ dừng lại ở việc đổi chủ, thay tướng mà không có sự cải tiến mạnh mẽ trong hệ thống quản trị, bộ máy điều hành, cách thức làm việc… thì sẽ khó đưa NH phát triển tốt hơn.

Vũ Phong

người lao động