Nghịch lý “ngôi vương” hồ tiêu

Nghịch lý “ngôi vương” hồ tiêu

Giữ vị trí đứng đầu nhiều năm liên tiếp trong sản xuất, xuất khẩu, chiếm khoảng 30% sản lượng hồ tiêu thế giới, 50% lượng hàng giao dịch trên thị trường, thế nhưng sản lượng liên tiếp sụt giảm, 70% hàng hóa xuất khẩu vẫn dưới dạng hạt thô, giá trị gia tăng không cao.

Xuất khẩu đạt kỷ lục

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, trong năm 2012, xuất khẩu hồ tiêu đạt khoảng 120.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 810 triệu USD, giảm nhẹ 4,3% về lượng nhưng tăng 9,6% về giá trị xuất khẩu. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt khoảng 6.790 USD, tăng hơn 15%. Xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục vững vàng "trên đỉnh” thế giới, là ngành hàng nông sản duy nhất của Việt Nam có giá trị xuất khẩu tăng, mang lại thu nhập cao, hàng ngàn hộ gia đình có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, không có DN sản xuất, chế biến, kinh doanh hồ tiêu bị thua lỗ hay phá sản.

Tiếp nối thành công, quý 1-2013 cũng ghi nhận xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh với lượng xuất khẩu đạt 38.374 tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 254 triệu USD, tăng 20% về giá trị, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Song, giá bình quân tiêu lại giảm, tiêu đen còn 6.266 USD/tấn (giảm 92 USD/tấn), tiêu trắng 8.869 USD/tấn (giảm 436 USD/tấn).

Đặc biệt, điều đáng mừng là canh tác hồ tiêu có xu hướng dịch chuyển từ tự phát, cổ truyền, rủi ro cao sang canh tác hữu cơ bền vững. Nhiều địa phương đạt năng suất bình quân 4 - 5 tấn/ha, cá biệt có số hộ đạt 9 – 10 tấn/ha.

Giá trị gia tăng vẫn thấp

Thế nhưng, cũng như nhiều ngành nông sản khác, hồ tiêu Việt Nam cũng gặp chung tình cảnh giá trị gia tăng thấp, chưa tương xứng tiềm năng. Nhiều nhà máy với công suất, công nghệ thiết bị cao, song công suất sử dụng, chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Khâu tiếp thị, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu còn chậm, thiếu chủ động, phần lớn còn bán qua trung gian.

Đáng buồn hơn, tới 70% sản lượng hồ tiêu được xuất khẩu vẫn dưới dạng sản phẩm mới qua sơ chế. Hồ tiêu Việt Nam phải xuất khẩu thông qua khâu trung gian, khi đưa ra thị trường thế giới đều dưới tên nhà sản xuất nước ngoài. Không có gì lạ khi nhiều người dùng không hề biết hồ tiêu lại đến từ Việt Nam.

Hàng loạt những bất ổn khác của thị trường như việc giá tăng, thu nhập cao dẫn tới diện tích trồng mới hồ tiêu tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên tăng nóng, tự phát, nguy cơ sâu bệnh cao, lạm dụng thái quá phân hóa học, thuốc trừ sâu… gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành.

Bởi thế, ông Đỗ Hà Nam khuyến cáo, người nông dân không nên mở rộng diện tích nơi điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Cùng với đó, chú ý theo sõi sát kết quả mùa màng, tiến độ thu hoạch, dự đoán nguồn cung, khả năng xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu, tiêu thụ… "Tại sao xuất khẩu quá nhiều trong quý 1, trong khi nguồn cung dự báo giảm? Người dân và DN cần bình tĩnh xem xét, chọn thời điểm bán hàng có giá tốt, không bán tập trung ồ ạt làm cho giá xuống. Người dân có điều kiện nên tạm giữ hồ tiêu, chờ bán khi giá tốt nhất.” – ông Nam nhấn mạnh.

Nguyễn Nga

Đại đoàn kết