VietABank: Bất ngờ tỷ lệ nợ xấu 2012 ở mức 4.65%

VietABank: Bất ngờ tỷ lệ nợ xấu 2012 ở mức 4.65%

Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ở mức 4.65% với gần 600 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của VietABank chỉ khiêm tốn ở mức 7 tỷ đồng theo công bố của ngân hàng.

Tại 31/12/2012, tổng nguồn vốn huy động và cho vay khách hàng của VietABank đạt 19,278 tỷ và 12,890 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 11% so với cuối năm 2011. Tổng tài sản của ngân hàng cũng nhích nhẹ lên 24,609 tỷ đồng.

Ngoại trừ lợi nhuận, hầu hết các chỉ tiêu khác của VietABank đều hoàn thành hoặc xấp xỉ so với kế hoạch đã đặt ra. Tuy nhiên, đây cũng là kế hoạch đã được điều chỉnh giảm mạnh so với phương án đã thông qua từ đầu năm 2012.

Cụ thể, sau 3 quý hoạt động, đến tháng 10/2012, HĐQT VietABank đã điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2012. Trong đó, kế hoạch tổng tài sản giảm từ 37,000 tỷ xuống 24,500 tỷ đồng. Tổng huy động khách hàng cũng được mạnh tay cắt giảm từ gần 30,000 tỷ xuống hơn 20,000 tỷ đồng. Đặc biệt, kế hoạch tỷ lệ nợ xấu đặt ra lúc đầu chỉ có 2.4% nhưng sau đó đã được điều chỉnh thành dưới 5%. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2012 giảm từ 547 tỷ xuống 280 tỷ đồng.

Tỷ lệ cổ tức kế hoạch từ 10% giảm xuống 5% nhưng tỷ lệ thực hiện lại bị HĐQT giảm tiếp xuống còn 4% và sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên thông qua.

Trong năm 2012, thu nhập thuần của VietABank đạt 536 tỷ đồng, trong đó 317 tỷ từ lãi vay, 263 tỷ từ đầu tư, hoạt động dịch vụ vỏn vẹn 2 tỷ và kinh doanh vàng, ngoại tệ lỗ 48 tỷ đồng. Khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của VietABank chỉ khiêm tốn ở mức 7 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2012 đạt 211.4 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2011 và tương đương 75.5% kế hoạch năm đã điều chỉnh.

HĐQT của VietABank có biến động trong năm 2012 khi giảm 1 thành viên là ông Trần Quốc Hải.

Bên cạnh đó, ngày 07/07/2012, HĐQT ngân hàng cũng đã ký quyết định chấp thuận ông Phạm Duy Hiếu từ chức Tổng giám đốc và giao cho Phó giám đốc điều hành hoạt động ngân hàng. Theo VietABank, việc biến động nhân sự cấp cao đã làm chậm trễ tiến trình tái cấu trúc ngân hàng, cơ sở để VietABank có thể tồn tại và phát triển sau đề án 254 “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” của Chính phủ.

Với kết quả trên, HĐQT ngân hàng cũng nhìn nhận việc phân bổ nhân sự tham gia trực tiếp hoạt động kinh doanh chưa thực sự hiệu quả khi chỉ có 63% trong tổng số 1,214 nhân sự làm công tác chuyên môn nghiệp vụ (không kể bảo vệ, tạp vụ, lái xe) tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, mức trung bình ngành là 70%.

Tài liệu đính kèm:

VietABank: Tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2013

Đan Thanh (Vietstock)

Ffn