Chủ tịch Đồng Xanh: 'Tôi dám chịu thất bại'

Chủ tịch Đồng Xanh: 'Tôi dám chịu thất bại'

Đối mặt với khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, Chủ tịch Ethanol Đồng Xanh - Lưu Quang Thái cho biết sẵn sàng lui về làm cố vấn nếu tìm được đối tác có lợi cho sự phát triển công ty.

Công ty cổ phần Đồng Xanh gặp rắc rối nghiêm trọng vào cuối năm 2012, khi nhà máy Ethanol của công ty tại Đại Tân (Quảng Nam) bị cả nông dân và ngân hàng quây đòi nợ hàng trăm tỷ đồng. Trao đổi với VnExpress.net, ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết khó khăn đã tạm qua và công ty đang đàm phán với một số đối tác về việc mua lại khoản nợ nhằm tái thiết hoạt động và sẵn sàng sản xuất trở lại vào tháng 7.

Chủ tịch Đồng Xanh biết, một số doanh nghiệp đang đặt vấn đề để mua lại Đồng Xanh

Đồng Xanh đang nợ cả nông dân, ngân hàng và lương nhân viên. Những khoản nợ này đã được giải quyết tới đâu rồi, thưa ông?

Tổng khoản nợ của Đồng Xanh hiện tại là gần 800 tỷ đồng. Về khoản nợ với các hộ nông dân, chúng tôi đã giải quyết được khoảng 30% đến 40%, tức là khoảng 7 tỷ đồng. Nông dân họ cũng hiểu và thông cảm cho chúng tôi, đồng thời mong muốn nhà máy sớm sản xuất trở lại để có thể trả hết nợ cho họ.

Còn về phía các ngân hàng, bao gồm BIDV và Techcombank, trong những cuộc gặp gần đây, các bên cũng đã có sự thống nhất trên tinh thần đàm phàn và tạo điều kiện cho nhà máy có thời gian và cơ hội phục hồi.

Chúng tôi hiện có 300 nhân viên và đã trả được một phần tiền lương. Tất nhiên vẫn trả chưa hết, nhưng sắp tới, trong hội nghị bàn về tái cơ cấu, chúng tôi sẽ tiếp tục họp bàn để có thể tiến hành trả nốt cho nhân viên. Nhưng có một điều chúng tôi khẳng định, dù khó khăn đến mấy, cũng cố gắng không giảm số lượng công nhân, nhất là công nhân kỹ thuật. Vì số công nhân này đều có tay nghề, đi cùng nhà máy đã lâu. Hơn nữa để vận hành nhà máy sắp tới thì họ đóng vai trò quan trọng.

Vậy thời điểm nào Đồng Xanh có thể trả nợ nợ dứt điểm cho nông dân và các ngân hàng?

Dự kiến trong tháng 7 tới, nhà máy Ethanol Đồng Xanh sẽ trở lại hoạt động. Nếu có trục trặc gì, thì chậm nhất là tháng 9 cũng sẽ hoạt động trở lại. Nhưng tất nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và hai ngân hàng BIDV cùng Techcombank. Bởi nếu chậm có sự hỗ trợ, các thiết bị trong nhà máy cũng sẽ bị ảnh hưởng và hỏng hóc, lúc đó sẽ rất khó sản xuất.

Còn về khoản nợ đối với người nông dân, trên thực tế, cũng không còn lại không quá nhiều, khoảng 12 tỷ đồng. Vả kể từ thời điểm nhà máy Ethanol hoạt động trở lại, từ một đến 2 tháng là chúng tôi sẽ trả hết nợ cho người nông dân.

Đối với các ngân hàng, theo cam kết, khoản tín dụng có thời hạn trả nợ trong vòng 7 năm. Khi nhà máy hoạt động trở lại vào tháng 7 này, chúng tôi cũng sẽ cố gắng trong vòng 7 năm trả hết được nợ cho phía ngân hàng. Nhưng nếu chính sách của Chính phủ về việc bắt buộc sử dụng xăng sinh học Ethanol được triển khai sớm, khả năng hoàn nợ của chúng tôi sẽ nhanh hơn.

Lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học còn dài, vậy ông căn cứ vào đâu để có thể khẳng định sẽ trả nợ được hết nợ cho nông dân và ngân hàng?

Đây là dự án theo chương trình phát triển năng lượng sinh học của Chính phủ nên các cấp chính quyền và các bộ ngành đều quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Theo công bố của Chính phủ, đến năm 2014, sẽ triển khai sử dụng xăng sinh học ở 7 tỉnh, còn đến năm 2015 sẽ triển khai trên cả nước. Mặc dù từ nay thời điểm đó còn 2 năm, nhưng hiện, thị trường tiêu thụ xăng sinh học đã nóng lên tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ví dụ năm nay, Philippine công bố tăng thị phần tiêu thụ xăng sinh học Ethanol trong nước họ từ mức 5% lên 10%, Thái Lan thì tăng từ 10% lên 15%, Ấn Độ từ 0% lên 5%. Như vậy, nhu cầu về xăng Ethanol trên thế giới đã tăng thêm khoảng 2 triệu tấn một năm. Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam. Hiện, có một số công ty tại Mỹ, Nhật, Philippines, Ấn Độ cũng muốn đặt mua Ethanol của công ty chúng tôi, nhưng do chưa chắc chắn về thời điểm giao hàng nên chưa thể ký được. Nếu thành công, thì việc trả nợ cho nông dân và ngân hàng đúng lộ trình là hoàn toàn khả thi.

Đồng Xanh tự nhận thấy còn những khó khăn gì chờ đợi mình?

Nguyên liệu để làm xăng Ethanol chủ yếu là sắn. Năm 2012, Việt Nam xuất khoảng 2 triệu tấn sắn, đủ để sản xuất tầm 750.000 tấn Ethanol. Với mức tiêu thụ của Việt Nam thì chỉ cần bớt một nửa lượng xuất khẩu đi là đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Như vậy, về nguyên liệu là không thiếu.

Tuy nhiên, từ mấy năm nay, Trung Quốc thu mua sắn rất mạnh, vì họ cũng có dự kiến sử dụng xăng Ethanol trên toàn quốc. Hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất Ethanol mỗi tấn là 250USD, nên họ trả giá rất cao để thu mua sắn từ Việt Nam và Thái Lan. Điều này khiến người nông dân sẵn sàng bán sắn cho họ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.

Nói như vậy để thấy, vấn đề cơ bản hiện nay là giá thu mua sắn. Nhưng nếu Chính phủ tuyên bố áp dụng xăng sinh học trên toàn quốc, thì các đơn vị sản xuất cũng sẵn sàng bỏ ra 200USD một tấn, ngang với Trung Quốc để thu mua nguyên liệu sắn từ phía người dân. Điều này, tất nhiên sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp giảm lãi. Nhưng theo tính toán của tôi, doanh nghiệp vẫn sẽ có lãi nếu làm vậy.

Còn một vấn để khác, là hiện, chúng tôi đang rất thiếu vốn lưu động, nên chỉ sản xuất cầm chừng được 50% công suất nhà máy. Mà theo tính toán, công suất phải vận hành từ 80% công ty mới có lãi. Nên cũng đang rất cần có sự giúp đỡ về vốn.

Lúc trước ông có đề cập tới việc có công ty tiến hành đàm phán để mua lại khoản nợ của Đồng Xanh. Vậy phương án này hỗ trợ như thế nào cho Đồng Xanh?

Có một số doanh nghiệp cũng đặt vấn đề này với Đồng Xanh. Nhưng tất cả vẫn đang trong quá trình đàm phán. Hiện, Đồng Xanh đang thiên về phương án bán khoảng 75% cổ phần cho Tổng công ty cổ phần Đầu tư và XNK Foodinco (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (mã CK: ALP).

Đối tác này, chúng tôi đánh giá là rất có lợi cho sự phát triển của Đồng Xanh. Bởi, Foodinco bản thân là công ty lương thực, hàng năm cũng thu mua từ 100.000 tấn đến 200.000 tấn sắn. Hơn nữa, họ có đội ngũ, có cơ sở vật chất, có kinh nghiệm về xuất khẩu và có tài chính mạnh cũng là điều kiện tốt giúp Đồng Xanh phát triển.

Tất nhiên, chúng tôi cũng không loại trừ hợp tác với những đối tác khác. Như một công ty của Mỹ. Công ty này có hợp tác với hãng Honda về lắp rắp xe chạy 80% bằng Ethanol. Hiện, đối tác này cũng đến gặp chúng tôi và trong tháng 5 sẽ tiến hành đàm phán. Họ mong muốn mua toàn bộ sản phẩm của nhà máy. Nếu hợp tác với họ thì thị trường tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi sẽ rất ổn định.

Nếu bán thành công số cổ phần trên, về mặt cá nhân, cảm giác của ông như thế nào nếu phải nhường lại ghế chủ tịch tại công ty mà mình đã dày công xây dựng cho một trong hai đối tác trên?

Về mặt tình cảm tự nhiên, việc này cũng sẽ gây ra những sự tiếc nuối nhất định. Nhưng tôi đã từng là một người lính tham gia chiến đấu qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng đã là doanh nhân gần 30 năm nay, và trải qua rất nhiều thăng trầm trên thương trường. Nên tôi hiểu và dám chịu thất bại, dù có những thất bại rất cay đắng. Với tôi, miễn là nhà máy này có thể hoạt động tốt, làm lợi cho đất nước, cho người dân, thì mình sẽ cảm thấy rất thanh thản.

Ai đã từng tiếp xúc với tôi lâu đều biết, tôi không phải là người quá bận tâm về quyền lực hay về chuyện có nhiều tiền hay không. Tôi sẵn sàng lui về làm cố vấn, hay làm cổ đông nếu cần thiết.

Tôi là người làm việc theo niềm đam mê và chưa bao giờ nghĩ về việc nghỉ hưu, muốn làm hết sức mình và đến hơi thở cuối cùng thì thôi. Giống như người ta nói sinh ra đời với 2 bàn tay trắng, nhắm mắt lại cũng 2 bàn tay trắng. Chuyện của cải vật chất vì thế không phải là điều gì quá to lớn khiến người ta phải băn khoăn đau khổ vì nó.

Hàn Phi

vnexpress