GDP “dò dẫm” hướng đến mục tiêu

GDP “dò dẫm” hướng đến mục tiêu

Theo nghiên cứu mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cả cầu tiêu dùng và cầu đầu tư đều yếu, nên nhìn tổng thể tổng cầu của nền kinh tế vẫn chưa có cơ sở để cải thiện. Vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế thiếu hụt do tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và tín dụng tăng trưởng thấp.

Nhìn vào con số tăng trưởng GDP đạt 4,89% trong quý I/2013, những người lạc quan cho rằng đã có những dấu hiệu của sự phục hồi. Có thể sự lạc quan này được nhìn nhận khi chỉ số này cao hơn so với mức tăng 4,75% của quý I/2012. Tuy nhiên, nếu “ngược dòng thời gian” thêm một chút thì GDP quý I/2013 có mức tăng thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng GDP quý I/2011 (tăng 5,53%) và quý I/2010 (tăng 5,84%).

Như vậy, có thể thấy mục tiêu GDP là 5,5% như Quốc hội đề ra trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 không dễ đạt được.

Lý do dẫn đến các băn khoăn về khả năng tăng trưởng của GDP là cho đến nay tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư. Và nếu mục tiêu tăng GDP là 5,5% và mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 chỉ khoảng 30% GDP thì ICOR năm 2013 chỉ vào khoảng 5,5. Đây là việc làm không dễ trong bối cảnh hiện nay.

Theo TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam tăng trưởng khá tốn vốn, khi phải bỏ ra 8 - 9 đồng vốn mới được 1 đồng tăng trưởng. Cùng với đó là rất tốn tài nguyên và tốn lao động với nhân công giá rẻ. Bằng chứng là trong những năm qua, ICOR của Việt Nam thường rất cao và có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh khó khăn. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, ICOR năm 2010 là 5,73; năm 2011 là 5,87; và năm 2012 là 6,66.

Đó là chưa kể, tổng vốn đầu tư cũng khó có thể đạt con số 30% GDP. Bởi, theo dự tính ban đầu, chi cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách vào khoảng 180.000 tỷ đồng, song do để có nguồn tăng lương từ 1/7/2013, sẽ phải tiết giảm 10.000 tỷ đồng từ nguồn này. Riêng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I chỉ đạt 202,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 29,6% GDP, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong khi đó, chúng ta cũng rất khó có thể kỳ vọng vào đầu tư từ khu vực tư nhân do sức khỏe của DN bị bào mòn sau nhiều năm vật lộn cùng khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 4 tháng đầu năm có tới 16.600 DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2012. Cùng với đó, vấn đề hàng tồn kho chưa giảm cũng khiến các DN ngần ngại mở rộng đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Bằng chứng là tín dụng 4 tháng đầu năm chỉ tăng có 1,4%. Cũng không thể đổ lỗi cho hệ thống ngân hàng được khi mà chính sách tiền tệ (CSTT) đang cùng lúc phải thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện tại, mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đạt bởi sau 4 tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2012. Nhưng khi mà CSTT kiểm soát lạm phát (ưu tiên hàng đầu) đạt kết quả thì ít nhiều ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, chính sách tài khóa lại chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong câu chuyện tăng trưởng. Quý I/2013, vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước chỉ tăng 2,5%, quá thấp so với mức tăng của cùng kỳ những năm trước (năm 2009 tăng 20%; năm 2010 tăng 23,2%; năm 2011 tăng 15,2%; và năm 2012 là 17,6%).

Theo nghiên cứu mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cả cầu tiêu dùng và cầu đầu tư đều yếu, nên nhìn tổng thể tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu. Vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế thiếu hụt do tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và tín dụng tăng trưởng thấp.

TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, năm 2013 tình hình kinh tế khó khăn hơn hình dung ban đầu. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay cũng là khó.

Chí Kiên

thời báo ngân hàng