Nghề mình mà - Phải nói: “Ngân hàng đang lời hay lỗ?”

Nghề mình mà - Phải nói: “Ngân hàng đang lời hay lỗ?”

(Nhân chuyện các bác chuyên gia cãi nhau xem ngân hàng đang ăn dày hay mỏng)

Rủi ro ngân hàng lãi ảo lỗ thật là rất lớn! Thực tế đã nhiều lần cho thấy cổ đông HBB ôm hận vì ngân hàng này giấu nợ xấu Vinashin đến phút 89, hay ACB chỉ giảm lãi sau khi tự dưng bị lòi ra 1 bác bầu Kiên… Vậy trong số các ngân hàng niêm yết (NY) còn lại nói trên, bác nào đang “giấu lỗ”? 

Nói về chuyện chênh lệch lãi suất ngân hàng cao hay ít, tui không dám bình, nhỡ có ai đó lại vặn “thằng Lân là thằng nào, đóng góp gì cho ngành ngân hàng VN chưa…” Trước giờ tui chỉ đóng góp cho ngành chứng thui. Do đó, để khách quan, tui xin cóp cái hình minh họa từ Vietstock (xem hình dưới), và tạm đồng thuận với quan điểm của 1 số bác chuyên gia rằng ngân hàng đâu có ăn dày:

Tuy nhiên, số liệu trên BCTC của các ngân hàng chỉ đề cập 2 con số NIM bình quân của riêng năm 2012 và Q1/2013, trong khi thực tế là nhiều người đi vay, kể cả cá nhân hay doanh nghiệp vẫn đang thừa hưởng lãi suất >15%, thậm chí > 20% mà họ đã ký hợp đồng vay từ những năm trước đó nữa. Các bạn có thể check trên rất nhiều BCTC của các công ty NY được công bố trên mạng. Ngoài ra, có thể 1 số ngân hàng sẽ loại ra 1 số khoản vay nợ xấu lãi suất cao mà trong năm qua, khách hàng k trả nổi lãi, đành khoanh nợ để đâu đó. Như vậy, tui nghĩ để cãi nhau cho trọn vẹn, có lẽ các bác nên trích dẫn thêm độ lệch chuẩn của NIM. Hay là ngành ngân hàng k có thống kê loại này?

Hiện có 1 bác chuyên gia tuyên bố đại ý rằng lợi nhuận trong ngành ngân hàng không cao, thậm chí có bác còn nói rằng “không bằng cả doanh nghiệp bình thường“. Ở đây, tui chỉ muốn đưa ra 1 ít số liệu về các ngân hàng NY mà tui có được: bank-ratio-2008-Q12013. Quả đúng vậy, nếu nhìn vào chỉ số ROE thì có lẽ các ngân hàng NY cũng chưa chắc làm ăn ngon hơn doanh nghiệp “bình thường” cỡ… VNM, GAS, FPT… Vào những năm còn làm ăn phát đạt 2009-2011, ROE của các ngân hàng cũng chỉ loanh quanh 15-25%, đến năm 2012 và 4 quý đến Q1/2013 là giai đoạn khó khăn thì dễ thấy ROE đều giảm cả (trừ SHB).

 Biểu đồ ROE hàng năm của 1 số ngân hàng NY
Ghi chú: chỉ số ROAE được tính theo vốn bq CSH 4 quý trong 1 năm, ROAE đến Q1/2013 được tính trên bq vốn CSH 4 quý từ Q2/2012 đến Q1/2013.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng mấy năm qua đều tăng vốn điều lệ rất mạnh. Theo biểu đồ dưới đây thì chỉ có ACB và STB tăng khiêm tốn (PVF là cty tài chính tạm coi như không bị áp lực tăng vốn). Tăng vốn vậy mà ROAE vẫn bám sát được mức 15-25% thì cũng đáng nể đó các bác. Trong các ngành khác, ít có công ty NY nào tăng vốn mà lợi nhuận vẫn tăng để giữ vững được ROE đâu, bởi vốn huy động còn cần thời gian nhất định để “hấp thụ”.

Biểu đồ tăng vốn ĐL của 1 số ngân hàng NY

Đối với cá nhân tui, lúc này tui không quan tâm ngân hàng lời nhiều hay ít, ăn dày hay mỏng mà là ngân hàng đang lời hay lỗ. Theo 1 số thông tin trên mạng thì các bác quản lý đang xem xét hoãn Thông tư 02/2013/TT-NHNN hướng dẫn lại về phân loại nợ và trích lập dự phòng vì có nhiều ý kiến cho rằng nếu thông tư này chính thức áp dụng từ ngày Quốc tế thiếu nhi thì nợ xấu ngân hàng sẽ tăng vọt, ngân hàng đang từ lãi chuyển thành lỗ và sẽ dẫn đến tình trạng nhiều con nợ “ra đường”… Những ý kiến này đều cho thấy 1 điều gì?

Đó là: rủi ro ngân hàng lãi ảo lỗ thật là rất lớn! Thực tế đã nhiều lần cho thấy cổ đông HBB ôm hận vì ngân hàng này giấu nợ xấu Vinashin đến phút 89, hay ACB chỉ giảm lãi sau khi tự dưng bị lòi ra 1 bác bầu Kiên… Vậy trong số các ngân hàng NY còn lại nói trên, bác nào đang “giấu lỗ”?

Cũng có ý kiến rằng ngân hàng vẫn có lãi vì quy định hiện hành cho phép họ… có lãi. Không sai, nhưng không công bằng! Tại sao ngân hàng được phép “giấu lỗ” trong khi bao doanh nghiệp khác phải trích lập dự phòng ngay lập tức và đầy đủ các khoản giảm giá hàng tồn kho, giảm giá đầu tư chứng khoán? Bây giờ ai cũng biết ngân hàng lỗ, nhưng bề mặt họ có lãi, rồi họ chia thưởng cổ phiếu, họ phát hành thêm, họ tiếp tục cho vay tán loạn… sau này đứt gánh thì ai chịu trách nhiệm đây?…

Hoàng Thạch Lân

(Bài viết được dẫn lại từ blog với sự đồng ý của tác giả, đăng ngày 24/05/2013)

Infonet