Xử lý nợ xấu khu vực DNNN: Khó cũng phải làm

Xử lý nợ xấu khu vực DNNN: Khó cũng phải làm

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ trình phương án xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngay trong năm 2013. Bình luận về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng "đây là yêu cầu quá chậm”.

DNNN nợ xấu bao nhiêu

Theo TS Lê Đăng Doanh, trong tất cả các đề án tái cơ cấu khu vực DNNN từ trước tới nay chưa hề đề cập tới phương án xử lý nợ xấu của chính khu vực này. Yêu cầu của Chính phủ giao cho Bộ Tài chính là cần thiết, nhưng đặt trong tình thế làm ăn bết bát của DNNN thì hơi chậm.

Công bố của Bộ Tài chính, nợ của khu vực DNNN lên tới 1 triệu 334 ngàn tỷ đồng. Đây là nợ, còn nợ xấu bao nhiêu chưa rõ. TS Đinh Tuấn Minh từng đưa một số liệu "DNNN sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu”. Nợ xấu là 10% tổng dư nợ tín dụng thì riêng khu vực DNNN chiếm trọng số. Tổng dư nợ đó của 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước lên tới gần 218.740 tỷ đồng.

Vẫn theo TS Minh, nợ xấu khu vực DNNN khó giải quyết vì khu vực này khó bán tài sản hoặc cổ phần theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Còn TS Lê Đăng Doanh cho rằng: lợi ích nhóm là nguyên nhân khó nhất để làm rõ nợ xấu của khu vực DNNN.

Tại cuộc họp "Cơ chế quản lý nợ xấu trong quá trình tái cấu trúc DNNN”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng hiện nay, nhiệm vụ xây dựng cơ chế xử lý nợ xấu đối với Bộ Tài chính là tự xử lý, hoán đổi nợ, cơ cấu lại nợ, cũng như mua bán nợ thông qua định chế trung gian.

Phương án xử lý nợ xấu của DNNN có thể được dọn sạch bằng cách làm đẹp khoản nợ trong quá khứ, nhưng quan trọng hơn là nợ xấu trong tương lai. Những khoản nợ 10 năm, 20 năm chưa đến hẹn nhưng với tình trạng làm ăn bết bát như vừa qua còn sợ hơn vạn lần.

Con tàu Vinalines đang "cõng” gánh nợ lớn

Cái kim trong bọc lâu ngày lộ ra

TS Doanh nói, nợ DNNN rất lớn, rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Không ai có thể o bế mãi những khoản nợ xấu vô danh. Quá trình tái cơ cấu DNNN gắn liền với xử lý nợ xấu khu vực này. "Tôi cũng có được biết Ngân hàng Phát triển châu Á ADB đang hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng phương án xử lý nợ xấu khu vực này. Theo đó, cơ cấu nợ ngắn hạn thành nợ trung hạn và dài hạn. Bản thân Bộ Tài chính nếu không được giúp đỡ thì khó hoàn thành được nhiệm vụ trình phương án xử lũ nợ xấu” này” - ông Doanh khẳng định.

Như vậy, trước khi chờ được giúp đỡ, dường như nhiệm vụ lớn đang đặt lên Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của DN (DATC).

Tuy nhiên, theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC thì công ty này đang gặp phải một số khó khăn để thực hiện nhiệm vụ mua để xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các DN, thúc đẩy tái cơ cấu DN, cũng như là cấu nối giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong việc xử lý nợ xấu. Mặc dù nợ xấu ở mức cao nhưng các ngân hàng vẫn không chịu chuyển giao hoặc bán nợ xấu cho DATC. Bên cạnh đó, do bị hạn chế trong việc tiếp cận để xử lý nợ xấu nên DATC sẽ không có đủ nhân lực cần thiết để thực hiện việc tái cơ cấu.

Cải cách DNNN là tối quan trọng. Bước đầu, tình trạng tài chính thực sự của các DNNN cần được công khai, bao gồm cả báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối đã được kiểm toán. Những DN này dùng tiền của Nhà nước (của dân) cho các hoạt động của mình, và do đó người dân cần được biết tiền của họ đã được sử dụng như thế nào. Sau khi đã biết về tình trạng tài chính thực sự của các DN này, có thể thực hiện các biện pháp để cải thiện hoạt động và cơ cấu điều hành. Những kế hoạch này phải được xây dựng và thực hiện kịp thời - TS Doanh nhấn mạnh

Hồ Hương

Đại đoàn kết