Nợ xấu được “xử” qua lăng kính VAMC

Nợ xấu được “xử” qua lăng kính VAMC

VAMC được quyền bảo lãnh cho các DN vay vốn của các NHTM. Đây là một quy định rất quan trọng, hỗ trợ cho các DN khi vẫn còn nợ xấu chưa xử lý được, nhưng có phương án sản xuất kinh doanh tốt, có triển vọng phát triển, mở rộng quy mô hoạt động… có thể tiếp tục được vay vốn ngân hàng. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao quy định bảo lãnh này.

Ngày 27/6/2013, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1459/QĐ-NHNN về việc thành lập Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/7/2013. Liệu qua công ty này sẽ có bao nhiêu nợ xấu được xử lý. Và nợ xấu được “xử” thế nào qua “lăng kính” VAMC? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) xung quanh vấn đề này.

Ông nhận định thế nào về mô hình hoạt động của VAMC?

VAMC là định chế tài chính của Nhà nước, được xây dựng theo mô hình của một Công ty quản lý tài sản tập trung. Đây cũng là mô hình khá phổ biến trên thế giới và thành công hơn so với mô hình các công ty quản lý tài sản phân tán. Phần lớn các nước trên thế giới đều xử lý nợ xấu bằng nguồn hỗn hợp, bao gồm một phần tài trợ từ ngân sách, một phần từ NHNN (trừ Hàn Quốc hiện là nước duy nhất xử lý nợ xấu sử dụng hoàn toàn vốn từ ngân sách).

Tại Việt Nam cũng dự kiến sẽ sử dụng nguồn tiền hỗn hợp để xử lý nợ xấu. Theo dự thảo Thông tư, VAMC chỉ xử lý nợ xấu của khu vực tư nhân còn nợ xây dựng cơ bản và nợ DNNN do Bộ Tài chính xử lý qua DATC. Nguồn tiền để xử lý nợ xấu của VAMC chủ yếu là trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Và một phần có thể là các khoản vay từ NHNN.

Thời gian qua, các TCTD cũng rất tích cực tự xử lý nợ xấu bằng DPRR

Việt Nam vốn có nhiều đặc thù, vậy cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC có gì khác so với các nước trên thế giới?

Điểm đặc biệt đầu tiên của VAMC đó là công ty này vừa mua nợ của các NHTM theo giá thị trường và thanh toán bằng tiền hoặc có thể mua theo giá sổ sách và thanh toán bằng TPĐB. Nói cụ thể hơn, khoản mua bằng tiền theo giá thị trường được coi là mua đứt bán đoạn. Còn khoản mua theo giá sổ sách khi VAMC bán lại nợ hoặc tài sản đảm bảo thì họ thanh toán ngược trở lại với các NHTM.

Một điểm đáng lưu ý, ngoài các chức năng hoạt động giống như các công ty quản lý tài sản thông thường trên thế giới (mua - bán nợ, tái cơ cấu nợ, làm gia tăng giá trị tài sản, môi giới mua bán, đầu tư cổ phần đầu tư tài chính vào các DN), thì VAMC được quyền bảo lãnh cho các DN vay vốn của các NHTM.

Đây là một quy định rất quan trọng, hỗ trợ cho các DN khi vẫn còn nợ xấu chưa xử lý được, nhưng có phương án sản xuất kinh doanh tốt, có triển vọng phát triển, mở rộng quy mô hoạt động… có thể tiếp tục được vay vốn ngân hàng. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao quy định bảo lãnh này. Vì qua đó, góp phần làm tăng cầu tín dụng nội địa và gia tăng cơ hội phục hồi cho các DN có khả năng tồn tại và phát triển.

Có ý kiến cho rằng yêu cầu mỗi năm các NHTM trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) 20% cho TPĐB là hơi cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận khiến họ “ngại” bán nợ. Ông nghĩ sao về điều này?

Do đặc thù mua nợ theo giá sổ sách và thanh toán bằng TPĐB nên VAMC đưa ra biện pháp kỹ thuật để xử lý sự khác biệt giữa việc mua nợ theo giá sổ sách và mua nợ theo giá thị trường bằng công cụ trích lập DPRR bắt buộc 20%/năm đối với tài sản tài chính, mà cụ thể là đối với TPĐB này. Các NHTM có nguồn để xử lý nợ xấu khi TPĐB đến hạn mà món nợ xấu vẫn chưa được VAMC xử lý hoặc thu hồi.

Tuy nhiên việc nắm giữ TPĐB hỗ trợ các NHTM cân bằng thanh khoản. Vì TPĐB này có thể được sử dụng như là một tài sản tài chính được thế chấp để vay tái cấp vốn tại NHNN thông qua OMO. Điều này đặc biệt quan trọng và có lợi đối với ngân hàng thanh khoản yếu kém. Bởi lãi suất vay vốn được thế chấp bằng TPĐB do Thủ tướng quyết định và sẽ được ưu tiên hơn so với vay tái cấp vốn thông thường.

Mặt khác, nếu nhìn vào tỷ lệ trích lập DPRR cho TPĐB là 20% thì vẫn có thể thấp hơn tỷ lệ trích lập DPRR mà các NHTM đang phải trích đối với khoản nợ xấu nhóm 4, 5 của mình. Tại sao tôi lại nói vậy. Vì tài sản thế chấp của ngân hàng chủ yếu là bất động sản. Trong bối cảnh thị trường BĐS đóng băng như hiện nay, nếu đánh giá lại giá trị của tài sản thế chấp theo giá thị trường thì giá trị phải trích lập DPRR của các khoản nợ nhóm 4, 5 thậm chí còn cao hơn là so với trích lập từ TPĐB.

Theo ông sự tham gia của nhà đầu tư (NĐT) ngoại có đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu? Và phải làm gì để tăng hấp dẫn đối với NĐT ngoại tham gia mua bán nợ xấu?

Thời gian vừa qua khá nhiều NĐT nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia thị trường mua bán nợ Việt Nam. Qua trao đổi với tôi, các đối tác nước ngoài rất muốn mua nợ của các DN có doanh thu từ 200 tỷ đồng và có khả năng phục hồi, phát triển sau khi tái cơ cấu.

Nhưng, những DN này không thuộc các ngành nhạy cảm như thủy sản, chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng. NĐT ngoại sẵn sàng mua nợ trực tiếp từ 50 – 500 tỷ đồng. Qua đó cho thấy nhu cầu của NĐT nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư, NĐT tổ chức lớn đối với việc mua lại nợ của Việt Nam là rất lớn.

Vấn đề bây giờ là phía Việt Nam cần hoàn thiện thủ tục pháp lý để việc mua nợ và bán nợ diễn ra nhanh chóng, công khai, minh bạch. Nhất là sau khi tái cấu trúc, các NĐT ngoại có thể bán trở lại các tài sản họ đã mua cho các NĐT thứ cấp. Hiện nay các quy định hiện hành còn có nhiều vấn đề cần khắc phục như: room của NĐT ngoại; quyền sở hữu tài sản của người nước ngoài ở Việt Nam; đặc biệt là thủ tục đăng ký tài sản… còn làm cho NĐT nước ngoài e ngại.

Cũng cần thấy rằng một thị trường nợ nếu không có sự tham gia của NĐT nước ngoài có 2 vấn đề có thể xảy ra: một là quá trình xử lý nợ có thể phải kéo dài và tổn thất sẽ rất lớn. Bởi nợ xấu kéo dài, tín dụng, bất động sản tiếp tục đóng băng… sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thậm chí có thể dẫn đến đình trệ hoặc suy thoái kinh tế. Mặt khác cũng có thể xảy ra tình trạng NĐT bán tháo tài sản (nếu muốn xử lý nhanh) và có thể làm sụp đổ thị trường bất động sản và thị trường tài sản. Do đó, cần phải sửa đổi nhanh các quy định pháp lý như Luật Đất đai, Luật Nhà ở… để tăng sức hấp dẫn đối với khối NĐT này.

NHNN cho rằng năm 2013, VAMC sẽ xử lý 40 – 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ông có đặt kỳ vọng như vậy vào VAMC?

Tôi nghĩ cũng có thể đạt được, nhưng thực sự việc xử lý nợ xấu nhanh hay không và con số chính xác nợ xấu được VAMC xử lý cũng rất khó đoán. Vì nó còn phụ thuộc vào chuyện phối hợp xử lý nợ xấu giữa VAMC và DATC. Ngoài ra còn tùy thuộc vào sự quyết liệt của NHNN trong điều hành, không để các NHTM chần chừ, mặc cả.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Thanh Huyền thực hiện

thời báo ngân hàng