Dân lỗ lớn, doanh nghiệp lãi khủng

Dân lỗ lớn, doanh nghiệp lãi khủng

Ngành nông nghiệp có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó có sản phẩm cao su. Mặc dù so cùng kì năm ngoái giảm hơn 18% về giá trị kim ngạch nhưng đến hết tháng 7-2013, xuất khẩu cao su vẫn đạt hơn 1,2 tỉ USD. Tuy nhiên, liên tục những tháng vừa qua, ngành hàng cao su tồn tại nghịch lí: dân lỗ lớn, doanh nghiệp lãi khủng.

Thời điểm này năm 2012, mủ cao su tươi trên thị trường nội địa có mức giá trên 25 ngàn đồng/kg. Bà con nông dân, nhất là khu vực Tây Nguyên, coi cao su là cây làm giàu. Nhiều hộ nông dân đinh ninh rằng, nếu không tăng lên cao hơn, giá mủ cao su của năm tiếp theo ít nhất vẫn giữ được ở mức đó.

Thế nhưng sự không ngờ đã ập đến: Từ đầu năm đến nay, mủ cao su bị mất giá hơn 50% so cùng kì 2012. Ở thời điểm hiện tại, mỗi kg mủ cao su tươi chỉ bán được hơn 10 ngàn đồng. Chưa khi nào mặt hàng này lại rớt giá thê thảm như vậy. Với mức giá "bèo” như hiện thời, mủ cao su rơi vào tình trạng giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. Người gánh chịu hậu quả nặng nề chính là số đông người dân chuyên nghề trồng cao su. Thật xót xa với thực tế đang diễn ra: địa phương nào hoặc chủ hộ nào càng trồng nhiều cao su càng thua lỗ đậm.

Thật là bất công, trong khi số đông người trồng cao su bị thua lỗ lớn, các DN làm nhiệm vụ xuất khẩu và chế biến cao su lại "thắng đậm” nhờ vào mặt hàng này. Trong hơn 2 quý vừa qua, cao su xuất khẩu đạt mức giá bình quân 2.540 USD/tấn, so cùng kì 2012 giảm gần 16%.

Cùng thời điểm đó, giá cao su nguyện liệu mua trên thị trường nội địa bị giảm sút hơn 50%. Vậy là, trong cùng thời gian, giá cao su trên thị trường nội địa giảm sút gấp hơn 3 lần so với giá xuất khẩu. Nói cách khác, các DN kinh doanh mặt hàng cao su lãi khủng là do mua rẻ, bán đắt. Giá đầu ra gấp hơn 3 lần đầu vào, không lãi lớn mới là chuyện lạ. Kinh doanh kiểu đó dẫn đến hệ lụy mang tính đối kháng: người trồng cao su thua lỗ đậm, DN xuất khẩu và chế biến cao su hưởng lợi cực lớn.

Xin mời "ghé thăm” một số đơn vị chuyên kinh doanh cao su để thấy lợi nhuận thu được ở mức cao như thế nào. Tại Công ty cổ phần cao su Tây Ninh (TRC), đến hết tháng 6, lãi trước thuế lên đến hơn 110 tỉ đồng. Chỉ tính riêng quý 2, Công ty cổ phần cao su Hòa Bình (HRC) thu lãi hơn 24 tỉ đồng. Công ty cổ phần cao su Thống Nhất (TNC) có mức lợi nhuận trong quý 2 tăng gần gấp đôi so với cùng kì 2012. Tính bình quân mỗi tháng, Công ty cổ phần Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM) thu lợi nhuận sau thuế đạt gần 17 tỉ đồng/tháng. Nói chung các DN kinh doanh cao su (kể cả suất khẩu nguyên liệu thô cũng như chế biến sản phẩm phục vụ thị trường nội địa ) đều " bội thu” mức lợi nhuận. Người dân trực tiếp trồng cao su thì ngược lại, bán mủ cao su dưới giá thành, thua lỗ quá lớn.

Đừng lạm dụng cơ chế thị trường để gây thua thiệt cho người dân. Chớ để người dân chặt bỏ cao su. Nếu không có nguồn nguyên liệu do dân tạo ra, các DN chỉ có mà… treo niêu.

Bá Tân

Đại đoàn kêt