Bắt đáy PVF - chỉ sợ ngân hàng mới không chịu… niêm yết trở lại

Bắt đáy PVF - chỉ sợ ngân hàng mới không chịu… niêm yết trở lại

Với mức giá đang giao dịch 3,800 đồng/cp và có thể xuống 3,500 đồng/cp trong hai phiên giao dịch cuối cùng, giả sử nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu PVF và kỳ vọng trong vòng hai năm tới, khi niêm yết trở lại nhà đầu tư có thể bán với giá 5,000-6,000 đồng/cp - cũng được xem là khoản đầu tư đem lại lợi nhuận đáng kể - nhưng câu hỏi đặt ra ở đây, liệu ngân hàng mới có muốn niêm yết trở lại hay không?

Trong phạm vi bài viết này, người viết không đề cập đến các vấn đề, điều kiện mà ngân hàng mới phải thỏa mãn yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, của UBCK và đáp ứng đầy đủ các quy định đối với ngân hàng khi niêm yết như tăng trưởng lợi nhuận, nợ xấu, v.v... Ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, vấn đề nghi ngại chính là thanh khoản của cổ phiếu sau hợp nhất.

Một điều chưa chắc rằng ngân hàng mới có niêm yết trở lại hay không? Bởi động lực niêm yết trong bối cảnh hiện nay khá mong manh, sức hấp dẫn của TTCK đối với doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp có nhiền vấn đề tồn tại như PVF đã không còn nữa.

Mục tiêu chính của doanh nghiệp khi niêm yết là để thu hút vốn. Một vấn đề không chỉ không còn hấp dẫn mà thậm chí nhà đầu tư còn thấy sợ mỗi khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu. Có lẽ cần phải chờ tới lúc TTCK Việt Nam “thay da đổi thịt”, là một thị trường tăng trưởng thật sự, doanh nghiệp tăng trưởng thật sự mới đủ hấp dẫn để nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu phát hành; mới có thể hấp dẫn doanh nghiệp lại lên sàn.

Mặt khác, tỷ lệ hợp nhất giữa PVF và Westernbank là 1:1, cũng khó có lý do gì để ngân hàng mới phải vất vả lên sàn, để rồi giao dịch dưới mệnh giá, bằng với giá giao dịch vài năm gần đây.

Trong khi đó, việc quan trọng đối với ngân hàng mới sau hợp nhất là vấn đề xử lý nợ xấu, tái cấu trúc bộ máy hơn là việc đua nhau lên sàn như thời cổ phiếu PVF thực hiện IPO - vừa chịu sức ép của cơ quan chức năng, vừa chịu sức ép của cổ đông v.v…

Còn nếu nhà đầu tư cá nhân muốn đầu tư lâu dài vào cổ phiếu PVF thì sự chờ đợi có vẻ còn rất dài và chưa biết kết quả, không những chờ đợi sự ổn định và tăng trưởng của ngân hàng mới mà còn phải chờ đợi sự hấp dẫn trở lại của TTCK.

Xuân Thu