Nới room ngoại: Lợi và hại?

Nới room ngoại: Lợi và hại?

Đang lúc thị trường chứng khoán Việt Nam èo uột vì dòng tiền cạn kiệt thì cử động của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước về việc xúc tiến nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nới room ngoại) được nhiều tổ chức và nhà đầu tư ủng hộ với hi vọng đó là một trong những biện pháp giúp phục hồi thị trường chứng khoán đang yếu ớt của Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình nới room như hiện nay và trong điều kiện hiện nay đang hàm chứa không chỉ lợi ích mà còn có cả nguy cơ.

Lợi thì có lợi

Để thuyết phục cho việc nới room, các lợi ích đã được thảo luận rất nhiều, ví dụ như việc nới room, dù theo hướng nào, cũng sẽ kích thích tâm lý của nhà đầu tư, chí ít là trong ngắn hạn, từ đó sẽ khiến cho thanh khoản của thị trường chứng khoán được cải thiện dần lên.

Việc nới room ngoại nói chung được kỳ vọng sẽ làm tăng dòng tiền ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam và từ đó làm đường dẫn để thu hút thêm dòng vốn vào thị trường.

Với việc nới room ngoại, nhiều người cho rằng nhà đầu tư ngoại có thể tham gia nhiều hơn vào việc quản trị doanh nghiệp, và từ đó sẽ dần dần cải thiện trình độ quản lý doanh nghiệp vốn khá yếu kém ở Việt Nam.

Nhưng ảo và hại cũng nhiều

Kỳ vọng việc gia tăng mạnh dòng tiền ngoại thông qua việc nới room có lẽ không hoàn toàn chính xác, vì cho đến hiện nay cũng có chưa đầy 30 doanh nghiệp niêm yết là hết room, còn lại đại đa số doanh nghiệp trên sàn vẫn còn nhiều room. Điều đó cho thấy vấn đề hiện nay của dòng vốn ngoại là bản thân thị trường chứng khoán và doanh nghiệp chứ không hẳn là việc hết room.

Thị trường kém chuyên nghiệp, sản phẩm đầu tư quá đơn điệu, thiếu thông tin và thông tin không minh bạch, quản lý doanh nghiệp yếu kém, xử lý vi phạm không nghiêm,… là những vấn đề lớn cần giải quyết càng sớm càng tốt để khơi thông dòng vốn ngoại. Nếu không, việc nới room có thể chỉ làm tăng thêm dòng vốn đầu cơ ngắn hạn tạm thời, và điều đó sẽ làm phức tạp thêm cho quá trình phát triển của thị trường chứng khoán.

Trong tình trạng thị trường chứng khoán èo uột như hiện nay, không loại trừ việc có khá nhiều doanh nghiệp đang bị định giá dưới xa giá trị thực. Với năng lực đầu tư - tài chính và tầm nhìn dài hạn của mình, một khi room được nới rộng, các nhà đầu tư ngoại có tầm nhìn chiến lược sẽ dễ dàng thâu tóm các doanh nghiệp niêm yết với giá rẻ, từ đó chiếm hữu được nhiều tài sản chiến lược của Việt Nam ở mức giá rẻ mạt.

Với tỷ lệ nới room lên đến 60%, những người/tổ chức hữu tâm có thể tăng cường việc sở hữu chéo (mà hiện nay hầu như chưa có một động thái nào hạn chế hiệu quả), và từ đó dễ dàng kiểm soát các doanh nghiệp mục tiêu. Hay nói một cách có hình ảnh hơn, việc nới room ngoại hiện nay trông khá giống việc mở ngỏ nhà của một người đang bị bệnh nặng nằm liệt giường, mà nhà đó lại ở trong một khu đô thị khá phức tạp!

Đã mười mấy năm trôi qua nhưng cung cách quản lý và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam dường như vẫn chỉ đang ở giai đoạn mò mẫm và thử nghiệm: Việc nới room chỉ là một trong sáu nhóm chính sách mục tiêu của năm 2013, và cho đến bây giờ vẫn mới dừng lại ở việc thảo luận và đệ trình, tức là Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước, và cao hơn là Chính phủ và Bộ Tài chính, vẫn tiếp tục nợ đọng các chính sách đối với thị trường chứng khoán.

Việc nới room từ từ như hiện nay sẽ tiếp tục làm quan ngại các nhà đầu tư tổ chức chiến lược của nước ngoài, hạn chế các kế hoạch đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi vì những khoản đầu tư dài hạn rất dễ dàng gặp khó khăn nếu như có sự thay đổi trong quá trình thử nghiệm.

Vấn đề mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bây giờ cần làm nhiều, làm sớm, là xây dựng tốt các quy chế giúp thị trường chứng khoán hoạt động chuyên nghiệp hơn, cung cấp sản phẩm đa dạng hơn và xử lý nghiêm hơn những vi phạm trên thị trường chứng khoán, trước khi thực sự nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyên Quân